Home » Mẹ và Bé » Nuôi dạy trẻ » Hãy buông tay con bạn ra

Hãy buông tay con bạn ra

Những phụ huynh không chịu buông tay con nhiều lúc cứ nghĩ con hạnh phúc với sự bảo bọc ấy. Thực ra không phải vậy. Đứa trẻ nào cũng có nhu cầu khẳng định mình.

Hãy buông tay con bạn ra
Hãy buông tay con bạn ra

Hãy để trẻ tự làm những việc mà chúng có thể làm được. Ảnh:pixgood.com.

Một bữa, đang ăn cơm, tôi bảo cả nhà: “Bún 5 tuổi, Dũng 7 tuổi, dạy cho hai đứa rửa chén được rồi ạ”. Mẹ tôi bảo: “Ôi, chúng nó đòi làm suốt đấy, mà rửa có sạch được đâu, tay yếu xìu xìu, mất công bà rửa lại”.

Tôi bảo: “Mẹ ơi, ban đầu làm chưa tốt thì dần dần sẽ tốt. Không bao giờ làm thì sẽ chẳng bao giờ biết làm, chứ đừng nói đến việc tốt hay không. Cứ để tụi nó rửa chén dĩa thông thường. Nồi niêu bị cháy, khó rửa quá thì khoan ạ. Tụi nhỏ rửa chưa sạch, mọi người chỉ lại để lần sau tụi nó làm kỹ hơn. Nếu mẹ thấy cần phải rửa lại thì cũng không nên rửa lại ngay trước mặt tụi nhỏ mẹ à, cũng không nên chê thẳng thừng thế này vì tụi nó sẽ nghĩ tụi nó làm cái gì cũng tệ, sau này sao dám làm gì nữa”.

Mấy bữa sau, tôi đi chơi Phan Thiết về, đang khiêng thùng hải sản vào nhà thì hai đứa nhỏ chạy ào ra xách đồ phụ. Tôi nói: “Dì mua cá, mực về cho tụi con ăn nè”. Dũng khoe: “Dì ơi, mẹ dạy con rửa bát rồi đấy. Em Bún nhỏ hơn con, em Bún làm ít hơn”. Tôi cười: “Con có thích làm không”? Dũng gật: “Dạ thích”, dù sở thích của cậu này cũng thất thường lắm.

Sở dĩ tôi muốn các cháu học các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống vì tôi hiểu tất cả người lớn trong nhà không thể theo chân chúng cả đời để chăm bẵm, làm thay tụi nó mọi việc. Rồi một ngày, tụi nhỏ cũng sẽ phải rời khỏi vòng tay của gia đình để bước vào thế giới rộng lớn với vô số điều phức tạp khác. Tôi biết có rất nhiều phụ huynh không đủ can đảm để buông tay con mình ra. Họ sợ hãi đủ điều. Nếu không có sự chuẩn bị cho con thì từ việc chăm bẵm con như một bảo bối, đột nhiên quăng con giữa chợ đời chẳng khác nào thả một người không hề biết bơi vào hồ nước sâu. Kết quả đã nhìn thấy trước: Người ấy sẽ chết đuối. Đứa trẻ cũng vậy. Không được trang bị những kỹ năng sống cơ bản, ngay lập tức cha mẹ buông tay, đứa trẻ sẽ hoảng hốt, sợ hãi và “chết chìm” giữa thế giới hỗn loạn xung quanh.

Tôi từng nhận một cuộc điện thoại của một cậu trai trẻ 23 tuổi, đã tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, sang Anh học thạc sĩ. Cậu khóc như mưa chỉ vì khi sang Anh, cậu được thu xếp ở homestay, theo hợp đồng chủ nhà chỉ nấu bữa tối, còn bữa sáng và trưa cậu tự lo. Cả đời cậu chưa bao giờ đi chợ, nấu ăn. Những ngày đầu, cậu giải quyết bằng cách ăn mì gói mang từ nhà sang nhưng chủ nhà bảo nếu dùng bếp, phải trả thêm tiền cho họ. Cậu không biết nên xử lý thế nào. Thế là cậu nhịn đói hoặc ăn mì khô. Học ở trường, cậu than trường không có chỗ nghỉ trưa phải lang thang, vạ vật. Cậu cũng than chủ nhà bắt là sau khi tắm xong, phải lau khô sàn nhà tắm để người sau dùng. Cậu thấy khổ quá nên khóc, đòi quay về Việt Nam.

Tôi bảo: “Tiếc quá, chị và em ở hai thành phố quá xa nhau nên không giúp gì nhiều được nhưng chị có thể gợi ý một số giải pháp sau cho em. Việc còn lại phụ thuộc vào khả năng xoay xở của em thôi”. Thật may, nhờ rất nhiều bạn sinh viên khác giúp đỡ, cậu bạn này đã tồn tại rất tốt ở Anh. Sự buông tay đột ngột của gia đình cậu với sự trang bị kỹ năng sống gần như là “zero” suýt có cái kết buồn nếu không có những người khác ở đây.

Những phụ huynh không chịu buông tay con nhiều lúc cứ nghĩ con họ hạnh phúc với sự bảo bọc ấy. Thực ra không phải vậy. Đứa trẻ nào cũng có nhu cầu khẳng định mình, chẳng qua nhu cầu ấy bị triệt tiêu dần vì tư tưởng áp đặt của người lớn mà thôi.

Hồi đầu năm học này, một buổi chiều, mẹ của tôi tá hỏa khi tới trường đón cháu trai mà không thấy nó. Cuống quýt đi tìm thì thấy cậu tự đi bộ về gần đến nhà, mồ hôi nhễ nhại vì cái cặp nặng hơn người. Từ trường về nhà không quá xa nhưng phải băng qua con đường nội bộ khu dân cư cũng khá đông xe nên cả nhà sợ. Thằng bé bị lôi ra “xử”. Cả bà ngoại và mẹ đều hét ầm là ai cho con tự ý đi về, có biết đường xe đông không. Nó gào lên to không kém: “Chẳng lẽ con không thể tự đi về một mình? Chẳng lẽ con không biết là hết xe mới băng qua đường? Chẳng lẽ mẹ không tin con?…”

Cái điệp khúc “Chẳng lẽ…” đó và câu cuối cùng của thằng bé làm cả nhà phải nín lặng. Sau này tôi về nước, lật vở ra thì thấy ngày hôm đó thằng bé được cô dạy bài ‘Đi bộ qua đường’. Học xong, cu cậu muốn áp dụng ngay. Dù luôn bị đánh giá là khờ hơn tuổi thực nhưng như mọi đứa trẻ khác, thằng bé cũng có nhu cầu khẳng định bản thân. Vì vậy, tôi tin những đứa trẻ khác cũng thế. Để giải quyết nhu cầu “đi bộ qua đường” này của cháu, sau đó mỗi chiều ông xã tôi và hai đứa nhỏ bắt đầu chơi trò “băng qua đường”.

Khi tôi đọc cuốn “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” của bà Sara Imas, tôi rất tâm đắc với lời khuyên hãy buông tay đứa trẻ dần dần để nó không thành những “thai nhi quá hạn” và cha mẹ cũng không phải là “nô lệ” của con cái. Hình ảnh ví von tình yêu người mẹ Trung Quốc (chắc Việt Nam cũng vậy) có hình tử cung, tức chỉ muốn bao bọc trọn đứa con, còn tình yêu người mẹ Do Thái có hình ngọn lửa, tức muốn tôi luyện đứa trẻ trở thành người độc lập và mạnh mẽ. Ai cũng yêu con của mình cả nhưng cũng cần phải học cách để buông tay chúng ra.

Thạc sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền