Home » Khỏe và đẹp » Bà cụ bị biến chứng nhiễm trùng do một vết cắn của bọ mò

Bà cụ bị biến chứng nhiễm trùng do một vết cắn của bọ mò

Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong tình trạng đau bụng, sốt liên tục 39-40 độ, nôn nhiều, nổi ban đỏ rải rác toàn thân, xung huyết kết mạc mắt, phù nề hai mắt, không ăn uống được. Các xét nghiệm sinh hóa phát hiện bệnh nhân có bạch cầu tăng, men gan tăng, albumin giảm.

Bác sĩ chuyên khoa Truyền nhiễm phát hiện bệnh nhân có một vết đốt lạ ở vùng cánh tay trái, kèm theo nổi hạch nách trái 1-2 cm. Ngoài ra, bệnh nhân đã bị biến chứng viêm phổi và nghi ngờ viêm màng não cấp. Kết quả hội chẩn, bác sĩ đã xác định bệnh nhân bị sốt mò, nguyên nhân là bị con bọ mò cắn. 

Được điều trị theo phác đồ nhiễm trùng cho bọ mò cắn, hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

Vết đốt ở bệnh nhân sốt mò. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Vết đốt ở bệnh nhân sốt mò. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bác sĩ Lê Xuân Sơn, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay, bệnh sốt mò có nhiều biểu hiện giống với các bệnh như nhiễm trùng huyết nên khó phát hiện. Người cao tuổi sức đề kháng yếu khi bị bọ mò cắn dễ biến chứng nguy hại như viêm phổi cấp, suy đa tạng, viêm màng não…

Bệnh sốt mò hay gọi Scrub typhus do vi khuẩn Ricketsia tsutsugamushi hay R.orientalis gây nên, truyền từ súc vật sang người do côn trùng trung gian là ấu trùng mò. Cơ chế bệnh sốt mò là tổn thương hoại tử và viêm tắc mạch máu làm tăng thẩm thấu thành mạch gây thoát huyết tương, phù tổ chức, tràn dịch…

Ấu trùng mò thường đốt máu ở những nơi da mềm mỏng như bẹn, gần hậu môn, nách, rốn, mi mắt… Các khu vực này thường khuất nên người bệnh ít để ý và khó phát hiện. 

Bệnh nhân thường bị sốt cấp tính, đau đầu dữ dội và nổi hạch. Ở chỗ bọ mò đốt, lúc đầu xuất hiện một tổn thương là vết loét có đóng vảy trên da rất điển hình, sau đó người bệnh bắt đầu sốt. Tỷ lệ tử vong do bệnh sốt mò khoảng 1-60%, tùy bệnh cảnh.


Thu Hiền