Home » Khỏe và đẹp » Bác sĩ nửa đời người chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo

Bác sĩ nửa đời người chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo

Tiến sĩ Nguyễn Văn Chương sinh năm 1934, có 60 năm công tác trong ngành y. Sau khi nghỉ hưu, bác sĩ Chương từ chối nhiều lời mời của các bệnh viện lớn, trở về nhà và tự mở một phòng khám nhỏ. Ông mong muốn giúp đỡ người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo được điều trị trong điều kiện tốt nhất có thể.

Tâm sự của bác sĩ Chương

Bác sĩ Nguyễn Văn Chương tận tình chữa cho bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Văn Chương (tóc bạc) đang khám cho bệnh nhân. Ảnh: T.Q.

Phòng khám nhỏ của bác sĩ Chương tại số 7 ngõ 424 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội điều trị chuyên sâu các bệnh đau cơ xương khớp, liệt, mạn tính về tiêu hóa, hô hấp. Những trang thiết bị tại đây như máy hồng ngoại, máy châm cứu, máy phục hồi chức năng,… đều đã rất cũ, nhưng với bác sĩ Chương: “Nghèo nên phải tận dụng tối đa các trang thiết bị này, như vậy mới là người thầy thuốc”.

Người thầy thuốc già thấu hiểu và thương cảm với những người nghèo không có tiền vào bệnh viện. Chính vì thế, chữa bệnh cho người nghèo được ông xem như một nhiệm vụ phải luôn làm hết mình. Có những hôm, bác sĩ khám chữa bệnh đến tận 22h, phải chờ cháu đến trông nom phòng khám rồi mới dám đi ăn. Hàng trăm người bệnh đã khỏe lại chính nhờ phòng khám nhỏ này, chưa có một sự cố nào với bệnh nhân. “Đó là điều tôi thấy hạnh phúc nhất”, bác sĩ Chương chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Trường ở Lạng Sơn đã chữa bệnh thoát vị đĩa đệm tại đây được một tuần. Anh không đến các bệnh viện lớn bởi lẽ với anh “phòng khám nhỏ này rất gần gũi và thoải mái”. Anh có thể chủ động sử dụng các trang thiết bị máy móc tại đây dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Chương. Hơn nữa, bác sĩ khám bệnh rất kỹ lưỡng, bệnh nhân cũng thoải mái nêu những thắc mắc và được giải thích tận tình.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Trường chia sẻ

Hàng ngày vẫn khoác chiếc áo blouse trắng ân cần với từng bệnh nhân, bác sĩ già chia sẻ: “Còn khỏe ngày nào thì tôi còn khám chữa bệnh cho người nghèo. Tôi không làm được nữa thì con tôi làm, con tôi không làm nữa thì cháu tôi làm vì nhà tôi từ trước đến nay mấy đời đều là thầy thuốc cả”.

Thúy Quỳnh