Home » Khỏe và đẹp » Bước tiến trong xạ trị ung thư vùng đầu cổ

Bước tiến trong xạ trị ung thư vùng đầu cổ

Bác sĩ Lâm Đức Hoàng, Trưởng Khoa Xạ 3, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết xạ trị ngoài là chiếu tia xạ từ bên ngoài vào trong cơ thể đến vị trí bướu. Xạ trị trong là đưa nguồn phóng xạ trực tiếp vào trong khối u hoặc khoang cơ thể mang khối u. Bên cạnh đó còn có xạ trị chuyển hóa là sử dụng dược chất phóng xạ dạng lỏng để uống hoặc tiêm vào trong cơ thể, chất phóng xạ sẽ được chuyển hoá đến cơ quan mang khối u. 

Một số kỹ thuật xạ trị vùng đầu cổ 

Xạ trị bên trong (còn gọi là áp sát)

Kỹ thuật mới nhất hiện nay là xạ trị áp sát, rất hiệu quả đối với một số ung thư vùng đầu cổ còn khu trú tại chỗ hoặc kết hợp với xạ trị ngoài để điều trị các tổn thương lan rộng và di căn. Kết hợp xạ trị ngoài và trong giúp điều trị triệt căn một số ung thư đầu cổ như môi, lưỡi, niêm mạc miệng… Phương pháp này giúp bảo tồn được cấu trúc, chức năng và kết quả có thể so sánh với phẫu thuật. Ưu điểm lớn nhất của xạ trị trong là gia tăng liều xạ tại chỗ và ít gây biến chứng đến mô lành xung quanh. 

Xạ trị điều biến liều thể tích (VMAT)

Mức độ chính xác của kỹ thuật này gần như tuyệt đối, có thể kiểm tra được vị trí bướu cần xạ trị một cách chính xác qua mỗi lần xạ bằng hệ thống chụp hình cắt lớp ngay trên bàn máy xạ, còn gọi là xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh. Liều xạ trên mô lành như tuyến mang tai giảm rất nhiều so với các kỹ thuật trước, nên bệnh nhân ít bị khô miệng hơn.

Xạ trị gia tốc hiện đại.

Xạ trị gia tốc hiện đại.


Xạ trị điều biến liều (IMRT)

Vùng đầu cổ là nơi tập trung rất nhiều cơ quan nhạy cảm, nếu xảy ra biến chứng sẽ ảnh hưởng trực tiếp chất lượng sống của bệnh nhân, ví dụ biến chứng khô miệng, nuốt khó, hoại tử. Xạ trị điều biến liều là cách tốt nhất để hạn chế tối đa xảy ra các biến chứng này. Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy nhiều bệnh nhân khô miệng khi kết thúc xạ trị điều biến liều, sau 2 năm đã hồi phục hoàn toàn hoặc chỉ khô miệng nhẹ.

Xạ trị phù hợp mô đích (3D-CRT)

Với kỹ thuật 3D, thể tích bướu và mô lành được xác định bằng hình ảnh chụp cắt lớp (CT scan). Chúng ta có thể nhìn sâu vào từng ngóc ngách trong cơ thể qua hình ảnh 3D. Kỹ thuật này cho phép xạ trị chính xác vào bướu ở bất kỳ vị trí nào và hạn chế ảnh hưởng đến mô lành xung quanh. Tác dụng phụ không giảm nhiều so với kỹ thuật quy ước, tuy nhiên giảm liều xạ vào tuyến mang tai và xương hàm, giúp giảm rõ rệt tỷ lệ khô miệng và hoại tử xương hàm. 

Xạ trị quy ước (2D)

Xạ trị quy ước được áp dụng từ cuối thế kỷ 19 để điều trị các khối u ác tính. Kỹ thuật này đơn giản, dễ thực hiện, ít tốn kém nhưng kết quả điều trị khá tốt cho một số trường hợp bướu nông, ung thư da, tuyến mang tai, thanh quản… Tuy nhiên tác dụng phụ cũng khá nhiều, đa số là viêm niêm mạc da, viêm da, khô miệng.

Xạ trị quy ước 2D.

Xạ trị quy ước 2D.


Theo bác sĩ Hoàng, việc lựa chọn phương pháp điều trị nào tối ưu phải dựa vào nhiều yếu tố như vị trí bướu, giai đoạn, thiết bị xạ trị hiện có, chi phí và hiệu quả tương thích với từng bệnh nhân.  

Một số lưu ý về xạ trị:

– Xạ trị không đau.

– Xạ trị không làm người bệnh bị nhiễm xạ sau khi đã rời phòng máy.

– Thông thường xạ trị mỗi ngày trong tuần, trừ thứ bảy và chủ nhật.

– Thời gian xạ trị lâu mau tùy kỹ thuật, trung bình mỗi lần xạ trị mất thời gian khoảng 20-30 phút.

– Tác dụng phụ sớm của xạ trị chỉ tạm thời. Nám da, rụng tóc hoặc viêm niêm mạc chỉ xảy ra trong vùng chiếu xạ.

– Cần nghỉ ngơi, uống thêm nước, ăn đầy đủ theo chế độ ăn hợp lý trong suốt quá trình xạ trị.