Home » Khỏe và đẹp » Ca cấp cứu Thượng nghị sĩ Mỹ Robert F Kennedy gây tranh cãi 50 năm

Ca cấp cứu Thượng nghị sĩ Mỹ Robert F Kennedy gây tranh cãi 50 năm

Nửa đêm ngày 5/6/1968, Robert Francis “Bobby” Kennedy, thượng nghị sĩ đang tranh cử Tổng thống Mỹ và cũng là em trai Tổng thống Mỹ John Fitzgerald “Jack” Kennedy bị bắn tại nhà bếp khách sạn Los Angeles Ambassador. Sirhan Sirhan, hung thủ 24 tuổi, đã bắn 8 phát bằng khẩu súng lục cỡ 22 li.

Robert Kennedy trúng đạn ở cổ, vai trái và đầu. Trong 26 giờ kể từ vụ ám sát, chính trị gia được đưa tới hai bệnh viện khác nhau. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của các bác sĩ, RFK qua đời do bị thương quá nặng.

50 năm trôi qua, nhiều người vẫn tranh cãi về cái chết của Robert Kennedy. Hàng loạt thuyết âm mưu được đưa ra, trong đó không ít ý kiến chỉ trích khâu cấp cứu. Để làm sáng tỏ vấn đề này, các nhà khoa học từ Đại học Y Duke quyết định tiến hành phân tích quy trình cứu chữa ứng viên Tổng thống Mỹ.

Ứng viên Tổng thống Mỹ, thượng nghị sĩ Robert Kennedy bị ám sát năm 1968. Ảnh: GI.

Ứng viên Tổng thống Mỹ, thượng nghị sĩ Robert Kennedy bị ám sát năm 1968. Ảnh: GI.

Trên tờ Journal of Neurosurgery, nhóm tác giả khẳng định thượng nghị sĩ Kennedy đã được can thiệp chính xác bằng những kỹ thuật hiện đại bậc nhất thời bấy giờ. Điều duy nhất đội ngũ cấp cứu có thể làm khác đi là vận chuyển chính trị gia đến cơ sở y tế phù hợp nhanh hơn. 

Trên thực tế, trước khi lên cáng cấp cứu, Kennedy đã nằm trên sàn nhà 17 phút. Ông di chuyển được tứ chi nhưng không thể mở mắt trái, mắt phải tuy mở song con ngươi lệch sang một bên. 

Không được thông báo về tình trạng nạn nhân, bác sĩ Stanley Abo thuộc đội cấp cứu phải tự tay kiểm tra vết thương trên đầu thượng nghị sĩ. Ông đưa ngón tay vào lỗ đạn để phá vỡ cục máu đông, nhờ đó cải thiện ý thức của nạn nhân.

Tiếp đó, do sai sót ở khâu liên lạc, xe chở Kennedy đi tới Bệnh viện Central Receiving, nơi không hề có đủ thiết bị phẫu thuật cần thiết. Tới 1h sáng, tức 45 phút sau vụ ám sát, thượng nghị sĩ mới được đưa đến đơn vị chăm sóc đặc biệt Bệnh viện Good Samaritan. Lúc này, ông không còn phản ứng.

Tin rằng phải loại bỏ càng nhiều mảnh đạn và xương vỡ càng tốt, đội ngũ phẫu thuật Bệnh viện Good Samaritan bắt đầu mở hộp sọ cho RFK lúc 3h10. Trong thời gian phẫu thuật, nạn nhân được tiêm mannitol (một dạng rượu đường) và dexamethasone (một dạng steroid) để giảm phù não. “Đó là tiêu chuẩn thời bấy giờ”, nhóm nhà khoa học Đại học Duke nhận xét. Đến nay, mannitol vẫn được xem như phương pháp xử lý phù não hiệu quả còn việc sử dụng steroid bị đánh giá không phù hợp.

Trải qua 3 tiếng 45 phút, ca phẫu thuật kết thúc. Đội ngũ y tế đặt Kennedy nằm lên chăn lạnh với mục đích hạ thân nhiệt, ngừa sốt. Nửa cơ thể bên phải của ông đã hoạt động trở lại nhưng nửa bên trái phản ứng rất kém với kích thích đau. 

18h ngày 5/6 năm ấy, tình trạng RKF xấu đi. Ông mất ý thức, không thể tự thở và không bao giờ tỉnh lại. 1h44 sáng 6/6/1968, Bệnh viện Good Samaritan tuyên bố thượng nghị sĩ Robert Kennedy qua đời. 

Lễ tang thượng nghị sĩ Kennedy. Ảnh: GI.

Lễ tang thượng nghị sĩ Kennedy. Ảnh: GI.

Nhìn lại ca cấp cứu Robert Kennedy, nhóm tác giả từ Đại học Duke tin rằng nếu vụ ám sát xảy ra vào ngày nay, chính trị gia vẫn sẽ được mở hộp sọ như những gì các bác sĩ làm cách đây 50 năm. Ngoài ra, đội ngũ y tế có thể dùng thêm thiết bị thoát dịch não nhằm giảm áp lực nội sọ, thuốc chống động kinh cũng như tận dụng công nghệ hình ảnh, kính hiển vi.

Dù sao đi nữa, kể cả khi có những tiến bộ trên, cứu sống nạn nhân bị súng bắn như RFK vẫn vô cùng khó khăn. 

Minh Nguyên