Home » Khỏe và đẹp » Chàng trai khỏe mạnh đột nhiên phát hiện ung thư gan giai đoạn cuối

Chàng trai khỏe mạnh đột nhiên phát hiện ung thư gan giai đoạn cuối

Anh Tùng 32 tuổi ở TP HCM cho biết không có thói quen khám sức khỏe định kỳ. Gần đây khi đưa mẹ đi khám bệnh gan, chàng trai tiện thể siêu âm ổ bụng và kiểm tra gan cho mình. Bác sĩ rất ngạc nhiên khi hình ảnh siêu âm cho thấy anh Tùng có khối u lớn chiếm toàn bộ diện tích gan. Nghi ngờ bệnh nhân bị ung thư nên bác sĩ chỉ định làm sinh thiết gan. 

Kết quả sau đó khẳng định anh Tùng bị ung thư gan, khối u đã xâm chiếm gần như toàn bộ diện tích gan. Bác sĩ cho biết trường hợp này không thể phẫu thuật điều trị triệt để mà chỉ uống thuốc để hạn chế sự phát triển của khối u và kéo dài sự sống cho bệnh nhân.

Xem xét kết quả giải phẫu bệnh, tiến sĩ Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115, TP HCM, cho rằng anh Tùng mắc bệnh ung thư gan do nhiễm virus viêm gan siêu vi B từ lâu mà không phát hiện để điều trị sớm. Viêm siêu vi B gan mạn tính kéo dài là nguyên nhân dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Quá trình này diễn ra âm thầm và không gây ra triệu chứng gì đặc hiệu, nên bệnh nhân không nhận biết, chỉ tình cờ phát hiện khi đi siêu âm.

chang-trai-khoe-manh-dot-nhien-phat-hien-ung-thu-gan-giai-doan-cuoi

Diễn tiến của ung thư gan.

Trên thế giới và tại Việt Nam, hiện nay viêm gan siêu vi B và C là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan. Nghiên cứu toàn cầu ghi nhận 75 đến 80% trường hợp ung thư gan có liên quan đến viêm gan siêu vi, trong đó 50 đến 55% do virus HBV (gây viêm gan siêu vi B) và 25 đến 30% do HCV (gây viêm gan siêu vi C).

Viêm siêu vi B và C lây qua ba đường chính là máu, mẹ truyền sang con và quan hệ tình dục. Bác sĩ Phượng khuyên mọi người nên chú ý tầm soát định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh lý viêm gan và điều trị trước khi diễn tiến sang xơ gan, ung thư gan. Đặc biệt, những người thuộc nhóm nguy cơ cao, chẳng hạn như từng tiêm ma túy, nhiễm HIV, người có mẹ bị viêm gan B và C, bạn tình của bệnh nhân, nhân viên y tế phơi nhiễm với kim tiêm..

Ngoài ra, những người từng được truyền máu và các chế phẩm máu, thẩm phân máu, chạy thận nhân tạo, ghép tạng trước năm 1990 cũng nên chú ý tầm soát viêm gan siêu vi C. Lý do là trước đây người ta chưa phát hiện ra cấu trúc di truyền của virus HCV nên chưa sàng lọc sạch virus này trong máu trước khi truyền cho bệnh nhân. Mãi đến năm 1990, các nhà khoa học mới tìm ra cấu trúc di truyền của HCV và tiến hành sàng lọc sạch, giúp giảm tỷ lệ nhiễm virus này trong số các bệnh nhân được truyền máu.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi