Home » Khỏe và đẹp » Chi phí gấp 10 lần nếu không duy trì chữa bệnh phổi mạn tính

Chi phí gấp 10 lần nếu không duy trì chữa bệnh phổi mạn tính

Phó giáo sư Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen Dị ứng Miễn dịch Lâm sàng TP HCM cho biết bệnh hô hấp ngày càng gia tăng toàn cầu, đặt gánh nặng lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam có khoảng 4,2% dân số trên 40 tuổi bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 37,5% người mắc bệnh trưởng thành được ghi nhận có triệu chứng nghiêm trọng. Tỷ lệ mắc bệnh hen khoảng 4,1% dân số, chỉ 29,1% trong số đó được điều trị bằng liệu pháp dự phòng hen suyễn. 

Ảnh: hawaiipacifichealth

Ảnh: hawaiipacifichealth

Giáo sư Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Hà Nội ước tính nếu mỗi bệnh nhân hen phế quản nhập viện một lần mỗi năm, tổng chi phí điều trị cả nước sẽ hơn 29.000 tỷ đồng. Chi phí điều trị của một bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không được điều trị duy trì dẫn đến phải nhập viện là 225 triệu mỗi năm, gấp hơn 10 lần so với chi phí điều trị ngoại trú trong giai đoạn ổn định. Đây là gánh nặng rất lớn cho ngành y tế Việt Nam.

Theo giáo sư Châu, những nguyên nhân chính của hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là hút thuốc hoặc tiếp xúc khói thuốc, ô nhiễm môi trường, nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên khi còn nhỏ, bệnh nghề nghiệp khi phải tiếp xúc với khí hóa chất.

Biện pháp phòng ngừa, kiểm soát là bỏ thuốc lá, tánh tiếp xúc không khí ô nhiễm, những chất kích thích, hóa chất. Khám sức khỏe thường xuyên. Khi có các triệu chứng như ho kéo dài, bị nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại, khó thở đặc biệt khi gắng sức, thở khò khè… cần đến ngay các trung tâm để được chẩn đoán sớm và kịp thời.

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh cho biết tăng tỷ lệ chẩn đoán sớm, điều trị, quản lý tốt bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một trong những mục tiêu quan trọng của chiến lược phòng chống bệnh.

Chương trình Vì lá phổi khỏe đang được Bộ Y tế phối hợp thực hiện với mục tiêu thiết lập, cải thiện 150 phòng quản lý bệnh hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong giai đoạn 2017-2020, trong đó hướng đến 50 đơn vị trên cả nước năm 2018Điều này giúp tăng cường nhận thức cộng đồng về bệnh, nâng cao năng lực đội ngũ y tế, bệnh nhân dễ dàng tiếp cận các trung tâm để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, hiệu quả, giúp giảm gánh nặng bệnh lý và chi phí y tế.

Lê Phương