Home » Khỏe và đẹp » Chuyện tình cô gái tan máu bẩm sinh được dựng thành nhạc kịch

Chuyện tình cô gái tan máu bẩm sinh được dựng thành nhạc kịch

Dựa trên câu chuyện có thật về tình yêu của một nữ bệnh nhân thalassemia (tan máu bẩm sinh), Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương kết hợp kiến thức về bệnh dựng một vở nhạc kịch ngắn mang tên Mật mã Globin.

Nhân vật chính là một nữ bệnh nhân thalassemia và người yêu cô. Họ yêu nhau say đắm và muốn đi tới hôn nhân nhưng bị hai bên cha mẹ ngăn cấm do gia đình chưa hiểu về căn bệnh mà cô gái mang trong mình. Đôi bạn trẻ đã cùng nhau chiến đấu chống lại những hiểu lầm, áp đặt vô lý mà dư luận thường dèm pha về những người có bệnh thalassemia. Những nút thắt được gỡ bỏ khi một thiên thần mặc áo blouse xuất hiện.

Người mắc bệnh tan máu bẩm sinh vẫn có thể sinh con khỏe mạnh nhờ các phương pháp khoa học hiện đại.

Người mắc bệnh tan máu bẩm sinh vẫn có thể sinh con khỏe mạnh nhờ các phương pháp khoa học hiện đại.

Thực tế bệnh nhân thalassemia vẫn có thể sinh con không bị bệnh nếu họ kết hôn với một người không mang gene bệnh. Nếu hai người cùng mang gene bệnh thì vẫn có thể sinh con hoàn toàn khỏe mạnh, không mang gene bệnh nhờ các phương pháp khoa học tiên tiến.

Nghệ sĩ múa Ngọc Quý (vai nam chính) cho biết, anh rất đồng cảm với nhân vật của mình. Câu chuyện là truyền thông điệp tình yêu chân chính có thể vượt qua được những thách thức vô hình.

“Việc chia sẻ thông tin về căn bệnh này là việc rất cần thiết, đối với nhạc kịch thì truyền thông về một căn bệnh có thể phòng tránh được như bệnh thalassemia là một chủ đề mới mẻ, đáng được quan tâm. Khán giả có thể vừa thưởng thức nghệ thuật, vừa có thêm thông tin để chủ động phòng tránh một căn bệnh nguy hiểm”, nữ diễn viên chính chia sẻ.

Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương (Hà Nội) cho biết, câu chuyện không đơn thuần là của một bệnh nhân thalassemia mà là nỗi khổ tâm chung của hàng ngàn bệnh nhân thalassemia khi họ có ý định kết hôn, muốn sinh con. Có hàng trăm gia đình phải đối mặt với nguy cơ tan vỡ vì căn bệnh này.

Thalassemia là bệnh lý huyết học di truyền lặn phổ biến trên thế giới với hơn 7% dân số toàn cầu mang gene bệnh. Việt Nam nằm trong vùng có nguy cơ cao, với gần 14% người dân mang gene, ở một vài vùng miền tỷ lệ này lên đến hơn 30%.

Bệnh có thể phòng tránh được nếu người dân biết rõ thông tin về cơ chế di truyền bệnh. Tuy nhiên thực tế, cộng đồng chúng ta chưa biết tới căn bệnh này. Vì thế, mỗi năm ước tính nước ta vẫn có hơn 8.000 trẻ sinh ra bị bệnh, trong đó hơn 2.000 trẻ cần phải được điều trị tại bệnh viện.

Mai Ly