Home » Khỏe và đẹp » Dấu hiệu nhận biết tình trạng loạn thần sau sinh

Dấu hiệu nhận biết tình trạng loạn thần sau sinh

Trải qua quá trình sinh nở, người phụ nữ có thể gặp phải các rối loạn tâm thần mà nguy hiểm nhất là chứng loạn thần sau sinh. Nghiên cứu năm 2006 trên tờ Journal of Women’s Health chỉ ra cứ 1.000 phụ nữ thì 1-2 người bị loạn thần sau sinh. Tại Việt Nam, số liệu của Bệnh viện Tâm thần Trung Ương 2 cho thấy tỷ lệ loạn thần sau sinh nguyên phát là 0,1-0,2%.

Loạn thần sau sinh thường khởi phát đột ngột, chủ yếu rơi vào khoảng 2 tuần đầu tính từ ngày em bé chào đời. Triệu chứng loạn thần sau sinh đa dạng, dễ thay đổi chỉ trong một giờ hay một ngày. Đặc biệt, nó đi kèm hoang tưởng và ảo giác. 

Những dấu hiệu loạn thần đáng chú ý bao gồm: 

– Cảm giác “phê”, “đứng trên đỉnh thế giới”.

– Ủ rũ, buồn rầu.

– Lo hãi, khó chịu.

– Tâm trạng thất thường.

– Lú lẫn nghiêm trọng.

– Bồn chồn.

– Ý nghĩ hoang tưởng.

– Hành vi trái với tính cách vốn có.

– Nói nhiều, năng nổ và hòa đồng hơn bình thường.

– Thu mình, không nói chuyện với người khác.

– Mất ngủ hoặc không muốn ngủ.

– Mất kiềm chế.

– Hoang tưởng, nghi ngờ, sợ hãi.

– Cảm giác như đang trong mơ.

– Ảo tưởng (những niềm tin không có thật như đứa bé bị ma ám hoặc mình vừa trúng số).

– Ảo giác (nhìn, nghe, cảm nhận hoặc ngửi thấy thứ không tồn tại).

dau-hieu-nhan-biet-tinh-trang-loan-than-sau-sinh

Ảnh: Concordia University.

Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ dễ bị loạn thần sau sinh nếu gia đình từng có người bị rối loạn lưỡng cực hoặc tâm thần phân liệt. Trong một số trường hợp, dấu hiệu loạn thần xuất hiện ở bệnh nhân trầm cảm nặng.Do mức độ nghiêm trọng, người bị loạn thần sau sinh cần điều trị ngay lập tức bằng thuốc. Liệu pháp sốc điện đôi khi được sử dụng. Một số người phải nhập viện nếu có nguy cơ gây thương tích cho bản thân hoặc người khác.

Hiện nay, loạn thần sau sinh còn khá lạ lẫm với người Việt. “Nói chung, hiểu biết cộng đồng về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là các vấn đề loạn thần, dạng rối loạn ở mức nặng, mới sơ khai và chưa đầy đủ. Giới chuyên môn cũng có nhiều cách nhìn nhận khác nhau”, ông Phạm Lê Hoàng Minh, thạc sĩ tâm lý, điều phối dự án Viet Psychotherapy trao đổi với VnExpress.net. “Điều này dẫn tới thực tế người bệnh không ý thức được tình trạng đang phải đương đầu mà chỉ khi đi khám chuyên khoa tâm thần hoặc tham vấn trị liệu tâm lý mới phát hiện ra”.

Theo ông Minh, để công tác dự phòng và can thiệp đạt hiệu quả, điều quan trọng nhất là người dân có cơ hội tiếp cận nguồn thông tin khoa học, chính xác và phổ biến kỹ năng tìm kiếm sự trợ giúp kịp thời khi cảm thấy mình đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.