Home » Khỏe và đẹp » Dịch sốt xuất huyết cướp đi sinh mạng 14 người

Dịch sốt xuất huyết cướp đi sinh mạng 14 người

6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận hơn 45.000 ca sốt xuất huyết, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. 14 người đã tử vong, tăng 2 người so với cùng kỳ năm ngoái. Số bệnh nhân tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, miền Trung. Trong đó số bệnh nhân tại Hà Nội tăng 3 lần. TP HCM có nhiều người bệnh nhất với hơn 10.000 ca, sau đó là Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội…

Cách phòng chống dịch sốt xuất huyết

Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc và tử vong tương đương song khác biệt là năm nay dịch xuất hiện sớm hơn. Ví dụ tại Hà Nội dịch thường tăng cao vào tháng 7-8, năm nay tăng ngay tháng 5-6. Dự báo dịch còn diễn biến phức tạp, hiện là đợt cao điểm.

“Nhiều hộ dân Hà Nội chưa vệ sinh phòng dịch; chưa có ý thức loại bỏ tác nhân chứa loăng quăng, bọ gậy, không hợp tác khi nhân viên y tế đến phun thuốc diệt muỗi”, tiến sĩ Phu nói. Hà Nội có khoảng 12.000 lốp ôtô cũ là ổ chứa bọ gậy.

Tiến sĩ Phu khuyên người dân bị sốt, nghi ngờ sốt xuất huyết thì cần đến bệnh viện khám, điều trị kịp thời. Nhân viên y tế cũng cần lưu ý đến bệnh để cho bệnh nhân xét nghiệm máu xem tiểu cầu có giảm… Ban đầu người bệnh chỉ có biểu hiện sốt nên dễ nhầm với cúm và một số bệnh khác. Bệnh có thể chuyển từ nhẹ sang nặng rất nhanh, đặc biệt gây sốc.

Biểu hiện đầu tiên của bệnh là sốt, có thể dùng paracetamol hạ sốt (tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng trong 24 giờ). Không dùng aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị sốt xuất huyết vì có thể gây xuất huyết, toan máu.

Người bệnh thường sốt cao liên tục từ 2 đến 7 ngày, từ ngày thứ hai trở đi có biểu hiện xuất huyết dù là tối thiểu. Các ngày sau triệu chứng rõ ràng hơn. Một số người có thể chảy máu chân răng, chảy máu cam, hoặc chấm xuất huyết dưới da. Phụ nữ hành kinh sớm hơn chu kỳ bình thường, kỳ kinh kéo dài hơn bình thường. Có người chỉ sốt, sau vài ngày đã dẫn đến sốc. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như trụy mạch, sốc, chảy máu nội tạng. Nhiều trường hợp bị chảy máu dạ dày, rong kinh kéo dài, mất nhiều máu. Nếu không được điều trị và hỗ trợ truyền máu kịp thời, nguy cơ người bệnh tử vong rất cao.

Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và văcxin phòng bệnh. Biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt loăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt.