Home » Khỏe và đẹp » Gã sĩ quan bị hấp dẫn bởi xác chết

Gã sĩ quan bị hấp dẫn bởi xác chết

Theo nhà nghiên cứu sử học Geri Walton, từ mùa hè 1848 đến tháng 3/1849, hàng loạt vụ đào trộm mộ xảy ra ở thủ đô nước Pháp. Với biệt danh “ma cà rồng Paris”, mỗi đêm thủ phạm đều tới nghĩa trang Père Lachaise, mở quan tài, cắt xác chết rồi sau đó vứt các mảnh khắp nơi. Để ngăn chặn hành vi tàn bạo này, giới chức Pháp thuê lính canh tại nghĩa tranh Père Lachaise nhưng “ma cà rồng Paris” vẫn không bị bắt.

Không biết đổ lỗi cho ai, chính quyền Paris tăng gấp đôi số lính canh. Đáng tiếc, điều này chưa đủ để chặn đứng hung thủ. Hắn tiếp tục gây án như thể vượt qua mọi quyền lực của con người. Bỗng một ngày, tình trạng đào trộm mộ chấm dứt. Ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm mà không biết sự việc khủng khiếp hơn chuẩn bị ập tới.

Lần này, vụ đào mộ xảy ra ở nghĩa trang ngoại ô nơi vừa chôn cất một bé gái 7 tuổi. Cha mẹ yêu thương mặc cho con chiếc váy trắng vốn chỉ dành cho ngày lễ và tiệc tùng. Thế nhưng, ngay buổi sáng sau ngày em yên nghỉ, lính canh phát hiện khu mộ bị xâm phạm, thi thể bé gái nằm ngoài quan tài đầy dấu vết bạo lực và trái tim không còn trong lồng ngực.

ga-si-quan-bi-hap-dan-boi-xac-chet

Tranh minh họa ma cà rồng Paris trên tạp chí Détective số 410.

Tội ác xảy ra với bé gái đã mất kích động dân Paris. Người dân “kinh đô ánh sáng” hết sức phẫn nộ, triệu tập giáo sĩ nhằm tiến hành lễ trừ tà đồng thời tăng cường cảnh giác hết mức có thể. Thế nhưng, một lần nữa công sức của họ trở nên vô ích bởi tên “ma cà rồng” đã quyết định rời đi. Hắn chuyển sang nghĩa trang Montparnasse và đào mộ một thiếu nữ 16 tuổi vào tháng 7/1848.

Đêm 15/3/1849, “ma cà rồng Paris” vướng phải bẫy do lính canh nghĩa địa Montparnasse đặt sẵn và bị trúng đạn. Dù chạy thoát, hắn đã phạm sai lầm khi tới Bệnh viện Quân y Val-de-Grâce chữa trị. Một nhân viên nghĩa trang Montparnasse vô tình có mặt đã nghe thấy tin tức về vết thương do súng bắn của một sĩ quan và ngay lập tức nhận ra đây chính là kẻ đột nhập.

Cuối cùng, tên tội phạm khiến cả Paris căm giận được xác định là François Bertrand, một sĩ quan quân đội Pháp. Người xung quanh Bertrand hết sức kinh ngạc bởi hắn luôn tỏ ra lịch thiệp, thẳng thắn và vô cùng xuất sắc. Thậm chí, bạn bè còn ca ngợi Bertrand như tấm gương sáng trong quân đội.

ga-si-quan-bi-hap-dan-boi-xac-chet-1

Chân dung Bertrand trên tạp chí Détective số 410.

Ra tòa, Bertrand chống nạng, mặc áo choàng xám, trông nhợt nhạt và yếu đuối. Hắn thừa nhận mọi tội trạng. Khi được hỏi lý do, gã sĩ quan đáp: “Tôi không thể nói được. Đó là một ham muốn ghê gớm. Tôi bị cuốn theo dù nó đi ngược ý muốn bản thân, không thứ gì có thể ngăn cản. Tôi không cách nào miêu tả hay lý giải cảm giác của mình”. Bị thương đến chảy máu, Bertrand vẫn đào bới; đôi khi cùng lúc 10-15 ngôi mộ và ít nhất 2 tuần một lần. “Tôi đã phủ lên xác chết những nụ hôn và ép nó vào trái tim mình. Một phụ nữ còn sống không thể so sánh với khoái lạc tôi được nếm trải”, hắn nói thêm.

Tò mò trước trường hợp “ma cà rồng Paris”, các bác sĩ vào cuộc. Họ phát hiện từ năm 7-8 tuổi, Bertrand đã xuất hiện những dấu hiệu bất thường như ưa ở một mình, hay buồn bã u sầu. Hơn nữa, hành vi phạm tội chỉ bắt đầu sau khi Bertrand vô tình thấy cảnh đào mộ trước đó 2 năm. “Ham muốn khủng khiếp trỗi dậy. Tôi run rẩy, từ biệt bạn bè đi cùng để trở về thị trấn rồi sau đó quay lại nghĩa địa”, gã đàn ông nhớ lại.

Các bác sĩ không nhất trí được kết quả chẩn đoán song đồng ý Bertrand không phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội. Cuối cùng, gã sĩ quan lĩnh một năm tù giam. Trong thời gian đó, hắn được đội ngũ thầy thuốc chăm sóc, chữa trị. 

Năm 1856, Bertrand chuyển tới Le Havre và đảm nhận nhiều công việc khác nhau, từ thư ký, trông ngọn hải đăng đến đưa thư. Báo chí địa phương viết: “Khỏi hoàn toàn căn bệnh ghê tởm, ông ta được coi như chuẩn mực về sự tử tế, đứng đắn”.

Ngày 25/2/1878, Bertrand qua đời. Ngày nay, người ta xác định căn bệnh mà ma cà rồng Paris gặp phải là necrophilia (ái tử thi). 

Minh Nhật