Home » Khỏe và đẹp » Hành trình vượt cạn cam go khiến người mẹ khóc khi con chào đời

Hành trình vượt cạn cam go khiến người mẹ khóc khi con chào đời

Thứ sáu, 19/5/2017 | 15:49 GMT+7

Thứ sáu, 19/5/2017 | 15:49 GMT+7

4 giờ đau, mỏi, đi lại để tử cung mở… chị Nguyễn Kim Nhung (Hà Nội) từ ý định sinh thường phải chuyển sang đẻ mổ và khóc nấc khi thấy mặt con…

Chị Nhung trải qua 40 tuần mang bầu, áp dụng chế độ ăn uống khoa học với mong muốn sinh thường thành công. Ngay sau khi có hiện tượng ra huyết, chị Nhung đến bệnh viện để khám thai. Lần đầu sinh nở nên những thay đổi trên cơ thể khiến mẹ bầu lo lắng, hồi hộp chờ đợi. Bác sĩ thông báo thai phụ bắt đầu chuyển dạ và độ mở cổ tử cung 3 cm. Những cơn đau kéo dài liên tục nhiều giờ nên chị cố gắng đọc kinh, đọc báo và đi lại để quên cơn đau.

Từ tuần 38 đến 41 của thai kỳ, cơn co thắt diễn ra thường xuyên hơn (trong khoảng hơn 10 phút một lần), cho thấy rất có thể bạn sắp chuyển dạ. Thông thường, quá trình chuyển dạ ở người lần đầu mang thai diễn ra khá chậm 12-17 tiếng. Tùy thể trạng cơ địa người mẹ, có trường hợp quá trình chuyển dạ diễn ra khá nhanh khoảng 4 tiếng, nhưng có khi tới 2 ngày.

 

Sau khi khám, bác sĩ khuyên chị Nhung chịu khó đi lại để cổ tử cung mở nhanh hơn. Càng lúc cơn đau càng tăng khiến chị đứng ngồi không yên. Kết quả siêu âm cuối cùng 2 ngày trước cho biết tình trạng sức khỏe của cả mẹ và con tốt, bác sĩ chỉ định có thể sinh thường.

Thông thường đầu của đứa bé phải quay xuống và mặt hướng về phía cột sống người mẹ. Đây là vị trí giúp người mẹ sinh nở dễ dàng, không gây ra đau đớn quá nhiều. Phần đau nhất của cơ thể là bụng. Khi ấy massage nhẹ nhàng thắt lưng cũng giảm tình trạng đau. Sản phụ được khuyến khích đi lại để cổ tử cung mở nhanh.

 

Sau 4 tiếng đau đẻ, không thể chịu đựng thêm, chị Nhung quyết định xin bác sĩ cho sinh mổ bằng cách gây tê màng cứng. Một số người mẹ không gặp khó khăn hay đau đớn gì khi sinh nhưng cũng không ít người thậm chí phải dùng thuốc giảm đau để vượt qua giai đoạn này. Hiện biện pháp gây tê ngoài màng cứng (gây tê cục bộ) được áp dụng nhiều. Thuốc được tiêm vào lưng của người mẹ để làm tê dây thần kinh tủy sống (cơ thể sẽ bị tê từ phần ngực đến chân). Đây là phương pháp hiệu quả để giảm đau khi mẹ bầu đang trải qua hành trình vượt cạn. Trong thời gian này, người phụ nữ phải nằm yên trên giường mà không được di chuyển.

 

Thiết bị máy móc theo dõi tình trạng nhịp tim, cơn gò của thai nhi được cuốn quanh bụng và hai cánh tay. Nhịp tim đạt 120 lần đến 160 lần một phút và cơn gò (cơn co) khi chuyển dạ thường 2 lần trong 10 phút, dần đạt cực đại có thể đạt 5 lần trong 10 phút.

 

Một phần dụng cụ được chuẩn bị cho một ca sinh. Thông thường khi sức khỏe mẹ ổn định, cơ thể mẹ không gặp vấn đề dị tật nghĩa là khả năng sinh thường cao. Ngược lại nếu có trở ngại như nhau thai quấn cổ, cổ tử cung không mở, đầu bé quá to, đầu không quay (ngôi ngược)…. bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ.

 

Quá trình chuyển dạ của chị Nhung lâu, đợt thuốc giảm đau (gây tê màng cứng) hết dần tác dụng nên phải sử dụng đến đợt giảm tiếp theo. Sản phụ lên bàn mổ phải sử dụng thêm thuốc mê và thuốc tê để an toàn cho cả mẹ và bé.

 

Gần 10 phút từ lúc lên bàn mổ, em bé chào đời an toàn trong niềm vui của bố mẹ và ê kip mổ. Ngay lập tức tất cả đều nhìn về phía đồng hồ để lấy giờ “bước ra thế giới” của bé.

 

Bé được vệ sinh, đo nhịp tim và tiêm vitamin K1 để tránh hiện tượng xuất huyết não – màng não.

 

Bé được gắn bảng tên để thuận tiện cho việc chăm sóc và di chuyển tránh thất lạc.

 

Các nữ hộ sinh nhanh chóng vệ sinh mũi, miệng, đo vòng đầu, chiều dài thân, cân nặng cho bé.

 

Bé được ủ ấm bằng lồng kính giữ nhiệt. Trong khi ấy ê kip mổ tiến hành khâu vết mổ cho mẹ.

 

Cảm xúc vỡ òa xúc động trào dâng khi lần đầu tiên được gặp con. Cuộc “vượt cạn” thành công. Sau khi về phòng chờ, mẹ và bé sẽ được chăm sóc theo hình thức “da áp da”, đây là phương pháp phổ biến để tạo sự gần gũi giữa hai mẹ con.