Home » Khỏe và đẹp » Lập phòng khám bệnh tan máu bẩm sinh tại An Giang

Lập phòng khám bệnh tan máu bẩm sinh tại An Giang

Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM cho biết phòng khám nhằm giúp người bệnh Thalassemia tại An Giang cũng như miền Tây được khám, điều trị tại địa phương, đỡ tốn kém và vất vả di chuyển xa. 

Theo bác sĩ Dũng, việc chẩn đoán và điều trị bệnh Thalassemia không quá phức tạp, có thể thực hiện ở các cơ sở y tế địa phương. Tuy nhiên những năm qua đa phần người bệnh đều tập trung về các trung tâm huyết học lớn tại Hà Nội và TP HCM, gây quá tải tuyến trên và tốn kém cho người bệnh. Năm 2015 bệnh viện bắt đầu thực hiện đề án chuyển giao điều trị bệnh Thalassemia cho bệnh viện tuyến quận trong thành phố tại Bình Tân và Đa khoa Khu vực Thủ Đức. 

Bệnh viện đang đẩy mạnh chuyển giao ở các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ. Điều này giúp các tuyến điều trị cơ sở có cơ hội nâng cao kiến thức về bệnh và sẽ là lực lượng tầm soát người mang gen, tư vấn di truyền và tư vấn tiền sản tốt nhất cho người dân. 

Lễ ký kết triển khai phòng khám Huyết học vệ tinh giữa Bệnh viện Truyền máu  Huyết học và Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang. Ảnh: T.P

Lễ ký kết triển khai phòng khám huyết học vệ tinh giữa Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM và Đa khoa trung tâm An Giang. Ảnh: T.P

Thalassemia hay còn gọi tan máu bẩm sinh là một nhóm những bệnh lý huyết học di truyền phổ biến nhất trên thế giới, biểu hiện chính là thiếu máu và ứ sắt. Người bệnh thể nặng có hình thể khá đặc trưng như chậm lớn, mũi tẹt, răng hô, xương sọ biến dạng, da xạm, gan, lách lớn. Những người bệnh này phụ thuộc vào việc truyền máu từ khi còn rất nhỏ và tuổi thọ thường rất ngắn, không quá 30 tuổi.

Những người bệnh thể ẩn chỉ mang gen bệnh mà không có biểu hiện thiếu máu nhưng lại có thể di truyền lại bệnh cho thế hệ sau. Những người này sống hòa lẫn trong cộng đồng, kết hôn với nhau và sinh ra những đứa trẻ Thalassmia thể nặng hoặc những đứa trẻ thể ẩn mang gen bệnh và làm lan rộng quần thể mang gen trong cộng đồng. 

Tại Việt Nam ước tính hiện có khoảng 20.000 người bị Thalassemia thể nặng. Mỗi năm có thêm 2.000 trẻ em sinh ra bị bệnh,10 triệu người mang gen bệnh. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần xây dựng một chương trình phòng chống Thalassemia toàn diện từ tầm soát người mang gen, tư vấn di truyền, tư vấn tiền sản… để không nhân rộng một thế hệ mới những người mang gen bệnh.

Lê Phương