Home » Khỏe và đẹp » Lo lây chéo cúm A/H1N1 trong bệnh viện

Lo lây chéo cúm A/H1N1 trong bệnh viện

Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, tiến sĩ Trần Đức Phu cho rằng, hai ổ dịch cúm A/H1N1 xuất hiện ở Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Chợ Rẫy cảnh báo nguy cơ virus lây chéo ở nơi đông người. Dịch sởi xảy ra vào năm 2014 là một bài học đắt giá. Cúm là bệnh lây qua đường hô hấp nên rất dễ lan nhanh trong cộng đồng, trong môi trường bệnh viện nhất là bệnh viện lớn thì nguy cơ càng cao.

“Một phòng bệnh đáng nhẽ chỉ 1-2 bệnh nhân nằm thì nay cả chục người. Bệnh đường hô hấp nên công tác phòng chống lây lan rất khó. Vì thế bệnh viện cần phát hiện sớm bệnh, cách ly ngay để tránh lây lan”, tiến sĩ Phu nói.

Tuy vậy Cục trưởng Y tế Dự phòng đánh giá tình hình dịch cúm A/H1N1 tại TP HCM hiện chưa có gì bất thường, virus cũng không có biến đổi về gene hay độc lực. Ba bệnh nhân được ghi nhận tử vong do H1N1 hai tháng qua đều mắc cúm trên nền bệnh có sẵn nên diễn biến nặng. Trong đó hai người có cơ địa béo phì, một người suy thận mạn giai đoạn cuối. 

Ông Phu khuyến cáo không phải tất cả bệnh nhân cúm đều cần đến bệnh viện, thay vào đó nên điều trị cách ly tại nhà, hạn chế tụ tập để tránh bệnh lây lan ra cộng đồng. Những trường hợp diễn biến nặng, có bệnh nền sẵn có thì nên đi khám để điều trị kịp thời, ngăn diễn biến nặng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, số liệu giám sát cúm mùa từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ ngày 14/5 tới 27/5 cho thấy trong gần 68.000 mẫu xét nghiệm thì có hơn 2.300 mẫu dương tính với cúm. Gần 70% nhiễm cúm A, nhiều nhất là cúm A/H1N1. Tương tự tại Việt Nam, cúm A/H1N1 chiếm khoảng 20-50% trong số chủng cúm mùa đang lưu hành, còn lại là cúm B và cúm A/H3N2.

Bệnh nhân nhiễm cúm A(H1N1) cần được phát hiện sớm, cách ly kịp thời tránh lây cho bệnh nhân khác. Ảnh minh họa: N.P.

Bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 điều trị cách ly. Ảnh minh họa: N.P.

Phần lớn bệnh nhân cúm mùa thường khỏi sau một tuần. Tỷ lệ nhỏ người có sức đề kháng kém, người bệnh mạn tính như suy thận, đái tháo đường, người già, trẻ em và phụ nữ có thai… diễn biến nặng như viêm phổi, suy hô hấp và thậm chí tử vong. Vì thế, khi mắc cúm nếu cảm thấy mệt mỏi quá mức bình thường, vật vã kích thích, không ăn uống được, sốt cao sau vài ngày sốt nhẹ, bệnh nhân nên đến viện kiểm tra. Trường hợp bị biến chứng viêm phổi, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế có điều kiện hồi sức tích cực.

Nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo:

– Lưu ý phòng tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám chữa bệnh. Người nhà, người bệnh cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên một mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh.

– Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi bằng tay áo hoặc dùng khăn giấy sau đó bỏ vào thùng rác. Nếu che bằng tay thì cần rửa tay ngay sau khi ho, hắt hơi nhằm tránh lây nhiễm sang vật dụng khác.

– Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.

– Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm; nhất là nhóm nguy cơ cao như người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em.

– Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng virus như tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.


Nam Phương