Home » Khỏe và đẹp » Người em trong ca song sinh Việt Đức được mổ tạo hình niệu quản

Người em trong ca song sinh Việt Đức được mổ tạo hình niệu quản

Phó giáo sư Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho biết tình trạng dị tật bẩm sinh hệ tiết niệu của Đức diễn tiến phức tạp theo thời gian. Nếu không được phẫu thuật tạo hình niệu quản, bệnh nhân sẽ phải đeo ống thông dẫn lưu nước tiểu suốt đời và có thể dẫn đến nguy cơ biến chứng chức năng thận.

Do tính chất phức tạp của ca mổ, các bác sĩ đã phải cân nhắc nhiều lần trước khi đưa bệnh nhân lên bàn phẫu thuật. Cuộc mổ nhằm khắc phục tình trạng hẹp niệu quản vốn đã gây tình trạng nhiễm trùng hệ niệu tái phát nhiều lần ở người bệnh. 

Nguyễn Đức trước ngày phẫu thuật. Ảnh: T.N

Nguyễn Đức trước ngày phẫu thuật. Ảnh: T.N

Nguyễn Đức cho biết thay vì lựa chọn phẫu thuật tại Nhật Bản, lần này anh một lần nữa đặt niềm tin vào các bác sĩ nơi mình từng gắn bó nhiều là Bệnh viện Bình Dân.

Trong cuộc đại phẫu kéo dài hơn 15 giờ tách rời hai anh em song sinh dính nhau Việt – Đức năm 1988, các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân chịu trách nhiệm phẫu thuật tổng quát, phẫu thuật tiết niệu và gây mê hồi sức. Năm 2009, khi vợ chồng anh mong muốn có con, các bác sĩ Nam khoa Bệnh viện Bình Dân đã phối hợp bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ mang đến niềm hạnh phúc làm cha cho anh.

Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho Nguyễn Đức ngày 11/5. Ảnh: T.N

Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho Nguyễn Đức ngày 11/5. Ảnh: T.N

Nguyễn Đức nhập viện cấp cứu ngày 6/3 do đau thắt lưng dữ dội, phát hiện bị nhiễm trùng đường tiết niệu, thận trái ứ nước độ 3. Một ngày sau Đức được phẫu thuật mở thận ra da tối thiểu bằng ống thông nhỏ. 

Đức là người em trong cặp song sinh dính nhau Việt – Đức chào đời tại Sa Thầy, Kon Tum, ngày 25/2/1981. Hai anh em dính nhau phần bụng chậu, bộ phận sinh dục, hậu môn, có hai chân và một chân cụt. Đôi song sinh dính nhau ban đầu điều trị ở Bệnh viện Việt Đức, đầu tháng 12/1982 cả hai được chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ. Sau hơn 3 tháng được Hội chữ thập đỏ Nhật đưa sang Tokyo điều trị, ngày 29/10/1986 cả hai trở về Việt Nam.

Ca đại phẫu huyền thoại tách rời hai anh em diễn ra ngày 4/10/1988, trở thành dấu mốc son trong lịch sử y học Việt và ghi danh vào sách kỷ lục Guinness thế giới. Sau mổ Việt sống thực vật 19 năm. Nguyễn Đức​ lớn lên lập gia đình và có 2 con sinh đôi một trai một gái hiện 8 tuổi. Đức vừa được chọn làm giáo sư trường Đại học Hiroshima ở Nhật, giảng dạy các nội dung về hòa bình, tầm quan trọng của sự sống… 

Lê Phương