Home » Khỏe và đẹp » Người mẹ nghèo nhặt ve chai kiếm tiền chạy thận cho con

Người mẹ nghèo nhặt ve chai kiếm tiền chạy thận cho con

Bà Trần Thị Gái, 62 tuổi, quê ở tỉnh Bình Dương, có con gái là Lê Thị Thu Hà bị bệnh tiểu đường từ năm 18 tuổi dẫn đến biến chứng suy thận. Đến nay Hà đã 41 tuổi, bệnh ngày càng nặng, cơ thể suy nhược, chân tay teo tóp không thể đi lại được phải ngồi xe lăn.

Gần chục năm qua, đều đặn mỗi tuần 3 tuổi, người mẹ nghèo đặt con trên xe lăn rồi đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM chạy thận nhân tạo. Trong vài tiếng đồng hồ chờ con lọc máu, bà Gái rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm, lục lọi những chiếc thùng rác để tìm kiếm bất cứ thứ gì có thể bán được bỏ vào chiếc bao nilon đen lớn mang về phân loại để bán. Từ những mớ ve chai này mà người phụ nữ nghèo có tiền chạy chữa bệnh cho con.

Khi bóng chiều đổ xuống cũng là lúc Hà chạy thận xong, người mẹ mới quay về bệnh viện đón con. Bà Gái khom lưng bế con gái đặt lên xe lăn, kê một tấm bìa các tông lên đùi con rồi đặt bao ve chai lên trên. Hai mẹ con lầm lũi rời khỏi bệnh viện. 

no-luc-cua-nguoi-me-ngheo-nhat-ve-chai-kiem-tien-cho-con-chay-than

Bà Gái chăm sóc con trong lúc chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM. Ảnh: TT.

Bà Gái kể trước đây gia đình sống tại Bình Dương, hai vợ chồng làm thuê kiếm sống. Người chồng lâm vào cảnh nghiện ngập đã bán tất cả mọi thứ trong nhà, cả hộp sữa của con, bịch đường, cân gạo… để lấy tiền hút chích. “Khi không còn gì trong nhà, ông ấy lấy trộm đồ của hàng xóm, bị bắt hết lần này đến lần khác. Bản thân tôi cũng bị chồng gán nợ. Tôi quá sợ cảnh sống như thế nên quyết định ly dị và một mình nuôi 3 đứa con”, người phụ nữ nhớ lại. 

Hà mắc đủ thứ bệnh từ tiểu đường, suy thận, dạ dày, tim, viêm gan C, bà Gái phải dốc hết tiền của để dành lo cho con. Gia cảnh vốn đã khó khăn càng lâm vào cùng quẫn. Có ngày người mẹ phải đưa con đến bệnh viện cấp cứu 3 lần. Từ một cô gái trẻ trung, yêu đời, chỉ sau vài năm chạy thận, cơ thể Hà tiều tụy, cân nặng 48 kg giảm còn 32 kg. “Bác sĩ nói bệnh cháu nặng lắm, bây giờ chỉ lọc máu để duy trì cuộc sống chứ không hy vọng sức khỏe tiến triển. Tôi luôn nhủ lòng cố gắng chạy chữa cho con đến ngày cuối đời, chỉ cầu trời được khỏe mạnh để còn nước còn tát”, bà Gái ngậm ngùi chia sẻ.

no-luc-cua-nguoi-me-ngheo-nhat-ve-chai-kiem-tien-loc-mau-cho-con-1

Hai mẹ con bà Gái rời bệnh viện với một bao đựng ve chai đầy ắp. Ảnh: TT.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết chị Hà bị suy thận mạn và không thể hồi phục chức năng thận. Suy thận mạn dẫn đến tình trạng tích tụ các chất thải, tăng ure và creatinin máu gây ra chán ăn, buồn nôn, nôn ói, hôn mê. Bệnh nhân giảm và ngưng tạo nước tiểu, ứ đọng dịch trong cơ thể gây phù, cao huyết áp, suy tim nên luôn cảm thấy mệt, khó thở, thiếu máu, da xanh, mệt mỏi.

Suy thận mạn có thể do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như đái tháo đường, cao huyết áp, sỏi thận, nhiễm trùng, di truyền… Thống kê tại Bệnh viện Chợ Rẫy, khoảng 49% bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối bị tiểu đường. Suy thận có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như phù phổi cấp, tăng kali máu, rối loạn nhịp tim, ngưng tim.

Theo bác sĩ Tuấn, hiện có nhiều phương pháp điều trị suy thận mạn như nội khoa thông qua việc điều chỉnh chế độ ăn hạn chế chất đạm từ thịt, cá và các loại trái cây nhiều kali. Bệnh nhân cần hạn chế ăn muối, đồng thời điều trị các bệnh lý đi kèm như cao huyết áp, suy tim, đái tháo đường, thiếu máu và các biến chứng khác. Người bị suy thận mạn giai đoạn nặng chỉ có thể can thiệp lọc máu thay thế thận bằng phương pháp lọc màng bụng, chạy thận hoặc ghép thận. Để điều trị hiệu quả, cần tuân thủ phác đồ của bác sĩ và kiểm soát tốt các bệnh lý nguy cơ, tránh dùng loại thuốc ảnh hưởng đến thận.

Thi Trân