Home » Khỏe và đẹp » Nhiều bất cập khi bắt buộc bổ sung iốt vào thực phẩm chế biến

Nhiều bất cập khi bắt buộc bổ sung iốt vào thực phẩm chế biến

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng quy định bắt buộc sử dụng muối iốt trong chế biến thực phẩm có nhiều bất cập. Một số thực phẩm không thể sử dụng muối iốt làm nguyên liệu chế biến do tạo ra trạng thái cảm quan, màu sắc, mùi vị không bằng so với sử dụng muối thường. Ví dụ, nước chấm, rau củ quả sấy khô, bột gia vị, bột chế biến sẵn… sử dụng muối iốt sẽ làm biến đổi mùi vị, dễ thất thoát dưỡng chất trong bảo quản và chế biến do ánh sáng.

“Trong thủy sản, nguyên liệu tự nhiên đã có sẵn iốt, nếu sử dụng thêm thì không những tốn chi phí mà còn tạo ra hàm lượng iốt cao trong thành phẩm, ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng”, ông Nam nói.

Cùng quan điểm, tiến sĩ Vũ Thế Thành cho rằng nhu cầu sử dụng muối iốt của từng người, từng khu vực sinh sống là khác nhau. Do đó người đang đủ iốt cơ thể mà lại bổ sung thì thành thừa. Thiếu iốt ngoài hậu quả bị bướu cổ còn gây ra tình trạng đần độn ở trẻ em. Thừa iốt lại dẫn đến hội chứng cường giáp và gia tăng bệnh bướu cổ”, ông Thành khuyến cáo.

Người thiếu hay thừa vi chất i-ốt đều có nguy cơ bị bệnh bướu cổ. Ảnh: AD

Người thiếu hay thừa vi chất iốt đều có nguy cơ bị bệnh bướu cổ. Ảnh: AD

Ông Thành cho rằng, có thể bổ sung vi chất này từ những thực phẩm chứa iốt như phô mai, trứng gà, sữa bột, bắp cải, hải sản, tảo biển… Trẻ em, phụ nữ mang thai và bà mẹ đang cho con bú là nhóm cần bổ sung iốt do nhu cầu tăng trưởng và phát triển nhiều hơn của cơ thể.

Tiến sĩ Đỗ Việt Hà, Hội Hóa học TP HCM, đề nghị chỉ khuyến khích bổ sung muối iốt cho một số loại thực phẩm, không nên bắt buộc với tất cả sản phẩm. Ngoài ra, iốt là vi chất có tính thăng hoa dễ tương tác với các thành phần khác trong thực phẩm và biến đổi khi gặp nhiệt.

Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP HCM, bà Lý Kim Chi thông tin, những bất cập về quy định sử dụng muối iốt trong chế biến thực phẩm trong Nghị định 09 đã được các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề phản ánh đến Chính phủ từ tháng 3/2017. Chính phủ cũng đã yêu cầu bãi bỏ quy định, thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp thực phẩm sử dụng. Tuy nhiên đến nay chưa có động thái thay đổi quy định từ phía Bộ Y tế.  

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP HCM nhấn mạnh, tạm thời Bộ Y tế đã có hướng dẫn không kiểm tra chỉ tiêu iốt trong thực phẩm chế biến. Song quy định bắt buộc bổ sung iốt trong thực phẩm vẫn còn hiệu lực và doanh nghiệp vẫn phải thực hiện.

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) kêu gọi Chính phủ Việt Nam giải quyết vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng nghiêm trọng của người dân. WHO cho rằng phần lớn người Việt tiêu thụ muối từ thực phẩm chế biến và bữa ăn ngoài gia đình. Bổ sung iốt vào thực phẩm không phải là rào cản đối với hoạt động kinh doanh và ngành công nghiệp thực phẩm. 

Nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy, chỉ 6% dân Việt sử dụng muối tăng cường iốt trong bữa ăn hằng ngày. Phần lớn người dân sử dụng bột canh, hạt nêm, nước mắm và các gia vị mặn khác. Vì vậy, nếu chỉ có muối ăn được trộn iốt sẽ không đủ để phòng chống tình trạng thiếu hụt iốt ở người Việt Nam.

Trong báo cáo của Mạng lưới Iốt toàn cầu (IGN), Việt Nam nằm trong nhóm 19 nước trên thế giới bị thiếu iốt. Điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ (MICS) năm 2011, có 45% hộ gia đình Việt Nam đang sử dụng muối iốt, thấp hơn nhiều so với mức khuyến cáo toàn cầu là 90%.


Võ Thị Cẩm Anh