Home » Khỏe và đẹp » Quả ngọt của người phụ nữ 7 lần thất bại khi làm thụ tinh ống nghiệm

Quả ngọt của người phụ nữ 7 lần thất bại khi làm thụ tinh ống nghiệm

Bế con trai trên tay chị Thủy vẫn chưa tin hạnh phúc đến với mình là sự thật sau 11 năm lấy chồng, mòn mỏi chờ đợi với 8 lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Hai vợ chồng chị thậm chí bán cả nhà để có tiền trang trải chi phí trong hành trình kiếm con.

Có lẽ hiếm có cặp vợ chồng nào đủ kiên trì, quyết tâm làm thụ tinh trong ống nghiệm đến lần thứ 8 như chị Thủy. Sau 6 lần thụ tinh ống nghiệm tại nhiều bệnh viện khác nhau nhưng đều thất bại, vợ chồng chị đến Đơn vị Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bạch Mai để thử vận may lần nữa.

qua-ngot-cua-nguoi-phu-nu-7-lan-that-bai-khi-lam-thu-tinh-ong-nghiem

Bé trai con chị Thủy vừa chào đời 2 tuần. Ảnh: M.T.

Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Bá Nha, Trưởng khoa Phụ sản, Phụ trách Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, chị Thủy đến viện với tâm lý “thụ tinh nốt lần cuối”. Khi ấy buồng trứng của chị đã suy kiệt, trải qua quá nhiều lần IVF trong 5 năm. Bệnh nhân bị vô sinh không rõ nguyên nhân. Trong lần thứ 7 làm thụ tinh trong ống nghiệm, bệnh nhân có bầu nhưng thai lưu.

“Mang gánh nặng tâm lý, tài chính nhưng bệnh nhân vẫn quyết tâm làm thụ tinh lần nữa chỉ vì ‘ít ra lần này người vợ đã có bầu’”, phó giáo sư Nha nói.

3 tháng sau khi hút thai lưu, bệnh nhân quay trở lại viện kiểm tra chuẩn bị cho lần thụ tinh ống nghiệm thứ 8. Lần này may mắn cuối cùng đã mỉm cười với vợ chồng chị Thủy khi cấn bầu. Hai tuần trước một bé trai nặng 2,8 kg đã chào đời bằng phương pháp sinh mổ ở tuần thai thứ 36.

Chị Thủy là một trong số 200 gia đình hiếm muộn đã có con tại Bệnh viện Bạch Mai sau hơn 3 năm Đơn vị Hỗ trợ sinh sản hoạt động. Người mẹ lớn tuổi nhất sinh con tại đây khi đã 46 tuổi. Nhiều người nước ngoài cũng tìm đến viện, như cặp vợ chồng người Anh đã thành công khi sinh được một bé gái. Tỷ lệ thành công trong chuyển phôi tươi trung bình tại đây đạt trên 30%, chuyển phôi trữ lạnh trung bình trên 40%.

Theo phó giáo sư Nha, vô sinh hiện nay không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà trên toàn thế giới, có xu hướng gia tăng. Nhịp sống xã hội quá nhanh, con người vì nhiều mối bận tâm mà quên đi thiên chức làm mẹ, đến khi muốn có thì đã muộn. Ngoài những trường hợp vô sinh nguyên phát thì nhiều người bị vô sinh thứ phát do viêm nhiễm như hậu quả của phá thai, căng thẳng, stress… Ước tính tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở Việt Nam hiện nay là 7,7%.

Quá trình thụ tinh trong ống nghiệm diễn ra như thế nào