Home » Khỏe và đẹp » Sợ văcxin rởm, bố mẹ Trung Quốc đưa con đến Hong Kong tiêm chủng

Sợ văcxin rởm, bố mẹ Trung Quốc đưa con đến Hong Kong tiêm chủng

Trưa 23/7, Emily Liu có mặt tại Sheung Shui ở đặc khu Hong Kong cùng với con trai. Bà mẹ trẻ không muốn chờ đợi thêm bởi lo ngại các bố mẹ sẽ đổ xô đến Hong Kong để tiêm phòng cho con, dẫn đến nguy cơ tăng giá hoặc tệ hơn là thiếu văcxin.

Chiều 23/7, mẹ con Liu về tới Thâm Quyến. Bé trai đã được tiêm văcxin 4-trong-1 DPT phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt.

“Tôi cảm thấy xấu hổ đôi chút khi phải sang Hong Kong để tiêm văcxin”, Liu chia sẻ với SCMP. “Với tư cách người mẹ, tôi không thể làm khác”. 

Hành động của Liu xuất phát từ nỗi lo con phải dùng văcxin kém chất lượng, sau bê bối văcxin của công ty Công nghệ Sinh học Trường Sinh được công bố hôm 20/7. Nhà sản xuất này đã bán 252.600 liều DPT phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván kém chất lượng cho Trung tâm Phòng ngừa Dịch bệnh Sơn Đông, cơ quan y tế công của tỉnh Sơn Đông chịu trách nhiệm về sức khỏe của 100 triệu dân. Trường Sinh làm giả giấy tờ liên quan đến văcxin bệnh dại dùng cho trẻ em từ ba tháng tuổi. 

Scandal của Trường Sinh tiếp nối chuỗi bê bối văcxin ở Trung Quốc, khiến sự phẫn nộ lan khắp đất nước đông dân nhất thế giới. Tháng 11/2017, Viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán bán hơn 400.000 liều văcxin DPT kém chất lượng cho tỉnh Hà Bắc và thành phố Trùng Khánh. Tháng 11/2016, cảnh sát Trung Quốc phát hiện số văcxin trị giá hơn 85 triệu USD đã hết hạn hoặc lưu trữ sai cách được bày bán trên chợ đen.

90% người tham gia cuộc thăm dò ý kiến của Weibo khẳng định không dám dùng văcxin “made in China” nữa. Nhiều phụ huynh kéo đến các cơ sở y tế đòi câu trả lời. “Chúng tôi không chấp nhận xin lỗi. Chúng tôi không muốn bồi thường. Chúng tôi chỉ muốn con mình khỏe mạnh”, Mo Li có con 17 tháng tuổi bức xúc. 

Ảnh: ImagineChina. 

Ảnh: ImagineChina. 

Trong tình cảnh ấy, Hong Kong trở thành điểm đến lý tưởng cho các bố mẹ đại lục để con được tiêm chủng an toàn. Khi đưa con tới Sheung Shui, Liu nhận thấy điện thoại phòng khám reo không ngừng: “Người ta gọi đến liên tục. Các bác sĩ phải cử y tá nói tiếng quan thoại ra trực”.

Là đơn vị nhận sắp xếp dịch vụ y tế bao gồm tiêm văcxin ở Hong Kong, công ty WaiKong làm việc hết công suất để trả lời các phụ huynh Trung Quốc. Tính từ ngày 22/7 đến sáng 23/7, họ đã nhận 30.000 cú điện thoại. 

“Một số người đưa con đến Hong Kong để tiêm các văcxin đặc biệt chưa có ở đại lục như văcxin phế cầu khuẩn Prevenar 13. Số khác lại muốn con họ được tiêm chủng hết ở Hong Kong”, Kelvin Liang, đại diện bán hàng của WaiKong cho biết. “Chi phí không phải vấn đề và các bố mẹ có thể tranh thủ đi mua sắm hoặc tham quan Disneyland”.

Thuộc nhóm cha mẹ thứ hai được Liang đề cập, Liu không muốn mạo hiểm sức khỏe của đứa con trai sinh non. Như vô số phụ huynh khác, cô mất hoàn toàn niềm tin vào nền y tế nước nhà. “Bệnh viện công cộng ở ngay dưới nhà nhưng tôi thà đi sang Hong Kong”, Liu thẳng thắn. “Bác sĩ Hong Kong mở thuốc ngay trước mặt tôi và giải thích các tác dụng phụ có thể xảy ra cũng như mọi triệu chứng cần lưu ý. Tôi không cần lo lắng. Số tiền tôi bỏ ra khi tới Hong Kong hoàn toàn xứng đáng”.

Liu cũng dự tính cả trường hợp Hong Kong từ chối tiêm chủng cho người không có thẻ cư trú, cô sẽ đưa con sang Nhật hoặc Đài Loan. 

Trên thực tế, năm 2013, Hong Kong cấm khách du lịch mua quá 1,8 kg sữa bột trẻ em sau khi bố mẹ Trung Quốc đổ xô sang mua do tác động của scandal sữa khiến 6 trẻ tử vong và 300.000 bé khác đổ bệnh.

Năm 2016, sau vụ văcxin hết hạn hoặc lưu giữ sai cách được bày bán khắp Trung Quốc, Hong Kong yêu cầu các điểm y tế công cộng chỉ được tiêm văcxin cho tối đa 120 trẻ không phải dân cư trú.

Đối với những phụ huynh không đủ điều kiện đưa con đi tiêm chủng ngoài đại lục, tìm kiếm văcxin nhập khẩu trở thành giải pháp hàng đầu. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ văcxin nhập khẩu không phải lúc cũng sẵn hàng. Theo Viện Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm, năm 2017, Trung Quốc nhập khoảng 18 triệu liều văcxin, tương đương 2,1% lượng văcxin trên thị trường. 

Hơn thế, không phải văcxin nào cũng có loại do nước ngoài sản xuất. “Nếu rơi vào tình huống ấy, tôi chỉ biết cầu nguyện Thượng Hải không bán văcxin rởm”, bà mẹ tên Shen Jing thở dài.

Mo Li cùng chồng thì thống nhất không sinh thêm con: “Sau chuyện này, tôi chắc chắn không đẻ nữa. Tôi không thể bảo vệ một đứa trẻ thì làm sao bảo vệ nổi hai đứa”. 

Minh Nguyên