Home » Khỏe và đẹp » Tán sỏi mật bằng máy điện thủy lực

Tán sỏi mật bằng máy điện thủy lực

Thủ thuật tán sỏi mật

Bệnh nhân vào viện cấp cứu với các triệu chứng sốt, lạnh run, đau hạ sườn phải và vùng thượng vị cấp tính. Kết quả kiểm tra, chụp CT Scanner xác định bệnh nhân nhiễm trùng đường mật dọa sốc do sỏi ống mật chủ, sỏi túi mật và sỏi trong gan phải gây giãn đường mật trong cũng như ngoài gan. 

Kíp trực ngoại khoa đã phẫu thuật cấp cứu cắt túi mật, mở ống mật chủ lấy sỏi, đặt dẫn lưu ống mật chủ giải áp đường mật. Bác sĩ Tăng Bá Dũng, trưởng kíp mổ cho biết ngày đầu nhập viện bệnh nhân có vấn đề chính là nhiễm trùng đường mật do sỏi, nguy cơ sốc nhiễm trùng. Đây là trường hợp cần phải phẫu thuật khẩn cấp nhằm giải áp đường mật.

“Dù đã mở ống mật chủ lấy ra nhiều sỏi nhưng cũng không thể lấy hết tất cả sỏi ở đường mật trong gan, ê kíp quyết định dẫn lưu bằng ống Kehr giải quyết tình trạng tắc mật gây nhiễm trùng cho bệnh nhân trước và tán sỏi tiếp sau 3-4 tuần”, bác sĩ Dũng chia sẻ.

tan-soi-mat-bang-may-dien-thuy-luc

Sỏi mật được lấy ra ngoài. Ảnh bệnh viện cung cấp.

Bác sĩ Mai Hóa, Trưởng khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết bệnh nhân này có nhiều sỏi mật trong và ngoài gan, rất khó để giải quyết triệt để một lần. Để tránh bệnh nhân trải qua nhiều cuộc mổ nặng nề, bệnh viện đã áp dụng kỹ thuật lấy sỏi mật kết hợp với tán sỏi thủy lực. Đây là cách giải quyết sỏi còn trong đường mật trong gan rất hiệu quả và an toàn với tỷ lệ hết sỏi cao lại không có biến chứng nặng.

Sỏi mật là bệnh gây ra do những viên sỏi nằm trong lòng ống mật, trong gan hoặc ngoài gan, túi mật, thường gặp ở nữ giới. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tắc mật gây nhiễm trùng đường mật, nghiêm trọng hơn có thể bị sốc, nhiễm trùng huyết, tử vong. Những trường hợp này đòi hỏi phải phẫu thuật cấp cứu. Tuy nhiên còn sỏi sau mổ sỏi đường mật là một vấn đề khó khăn đối với các phẫu thuật viên gan mật, đồng thời khiến chất lượng cuộc sống của bệnh bị ảnh hưởng nhiều.

Lê Phương