Home » Khỏe và đẹp » Tiến sĩ Mỹ: ‘Chữa khỏi ung thư là mục tiêu phi thực tế’

Tiến sĩ Mỹ: ‘Chữa khỏi ung thư là mục tiêu phi thực tế’

Năm năm qua, y học đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực ung thư với việc ứng dụng các loại thuốc nhắm vào hệ miễn dịch và đạt tỷ lệ đáp ứng đáng kể. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa các bác sĩ đã tiến gần đến phương pháp trị hoàn toàn căn bệnh quái ác.

Ảnh: istock.

Ảnh: istock.

“Tìm cách chữa khỏi ung thư không phải mục tiêu thực tế”, Fox News dẫn lời tiến sĩ Lisa Coussens thuộc Viện Phát triển và Sinh học Ung thư phát biểu tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Mỹ. Theo bà Coussens, y học nên hướng đến kiểm soát ung thư như bệnh mạn tính tương tự tiểu đường. “50 năm trước, tiểu đường còn là án tử hình nhưng nay đã trở thành thứ quản lý được”, nữ tiến sĩ giải thích.

Trên thực tế, từ năm 2016, Hiệp hội Ung thư Mỹ đã đưa ra ý tưởng nhìn nhận một số loại ung thư như bệnh mạn tính. “Ung thư không chỉ xảy ra đúng một lần. Dù được điều trị, nhiều khi nó vẫn không biến mất. Ung thư có thể là một bệnh mạn tính, giống tiểu đường hoặc bệnh tim”, trang web cơ quan này viết. 

Hiện nay, mục đích của điều trị ung thư chủ yếu là kiểm soát căn bệnh tùy theo nhu cầu cá nhân đồng thời ngăn khối u phát triển, di căn. Thông thường, việc điều trị không loại bỏ hoàn toàn ung thư. 

Với những tiến bộ nhân loại đã và đang đạt được, tiến sĩ Coussens kỳ vọng con người sẽ sống tốt hơn mà không cần khỏi bệnh. “Giờ đây, bệnh nhân bị ung thư hắc tố sống được thêm 2-5 năm, thậm chí 10 năm”, bà Coussens nói. “Các thành tựu y học sẽ giúp chúng ta đạt tới mục tiêu cuối cùng là cải thiện cải thiện chất lượng cuộc sống của họ”. 

Minh Nguyên