Home » Khỏe và đẹp » Tọa đàm trực tuyến về ung thư cổ tử cung

Tọa đàm trực tuyến về ung thư cổ tử cung

Độc giả gửi câu hỏi tại đây

Suốt nhiều năm theo nghề, bác sĩ Lê Quang Thanh – Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ gặp không ít trường hợp đáng tiếc và đau lòng, đặc biệt là những phụ nữ trẻ không thể làm mẹ vì ung thư cổ tử cung. Có trường hợp sản phụ đang mang thai thì phát hiện mình mắc bệnh, việc chữa trị và giữ con gặp nhiều khó khăn. Cách đây không lâu, ông chứng kiến một bà mẹ khác đau đớn trên giường bệnh, sợ bỏ lại 3 con không ai nuôi nấng.

Một thống kê công bố tháng 2/2016 cho thấy, tại Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 14 người được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung. Trong đó, có 7 phụ nữ tử vong. Tại Bệnh viện Từ Dũ, mỗi năm có hơn 900 người mắc bệnh, 1.500 ca có các dấu hiện tiền ung thư, khoảng 2.000 trường hợp nhiễm chủng virus HPV gây bệnh.

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng xếp Việt Nam vào top 2 bản đồ ung thư toàn cầu. Cứ 100.000 phụ nữ lại có 20 người mắc ung thư cổ tử cung, 11 trường hợp tử vong. Trong đó có người mới 20 tuổi, khác với quan niệm phụ nữ trung niên mới cần đề phòng.

toa-dam-truc-tuyen-ve-ung-thu-co-tu-cung

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh – Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ.

Ung thư cổ tử cung nguy hiểm, song có thể phòng ngừa được. Bởi đây là căn bệnh ung thư duy nhất cho đến nay biết được nguyên nhân: 95% trường hợp do HPV – virus gây u nhú ở người (Human Papilloma Virus). Chúng lây nhiễm qua tiếp xúc, quan hệ tình dục, từ mẹ sang con (khi sinh đẻ), gây mụn cóc sinh dục (sùi mào gà) ở cả 2 giới; ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo ở phụ nữ.

Theo Trung tâm Kiểm ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cứ 5 phụ nữ thì có 4 người nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời. Cách phòng hiệu quả là tiêm vắcxin ngừa ung thư cổ tử cung lúc 9-26 tuổi, khám phụ khoa và tầm soát định kỳ. Song theo một hội thảo mới đây, khoảng 70% phụ nữ Việt Nam ở thành thị chưa biết đến loại vắcxin này, trong khi đó, có đến 80% bé gái 15 tuổi ở Australia được chủng ngừa ung thư cổ tử cung (năm 2015).

Bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh –  Phó chủ nhiệm bộ môn ung thư Đại học Y Dược TP HCM cho biết, giai đoạn tiền ung thư cổ tử cung, hầu như không có triệu chứng. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân thấy ra huyết trắng có mùi hôi, lẫn máu, chảy máu âm đạo sau quan hệ, hoặc khi làm việc nặng dù không rơi vào chu kỳ kinh nguyệt. Đến bệnh viện kiểm tra lúc này là quá trễ, vì chỉ 30% phụ nữ ở giai đoạn 3, dưới 15% ở giai đoạn 4 còn sống sau 5 năm.

toa-dam-truc-tuyen-ve-ung-thu-co-tu-cung-1

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh – Phó chủ nhiệm bộ môn ung thư, Đại học Y Dược TP HCM.

Những vấn đề chưa nói về ung thư cổ tử cung sẽ được Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh và Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh trao đổi thêm lúc 14h ngày 21/7 trên VnExpress. Hai chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sản phụ khoa và ung thư cũng sẽ trả lời các câu hỏi của độc giả gửi tại đây.

An San