Home » Khỏe và đẹp » Trung tâm Y tế Hải Phòng: Thiết bị niêm phong 6 năm do trụ sở mới chưa xây

Trung tâm Y tế Hải Phòng: Thiết bị niêm phong 6 năm do trụ sở mới chưa xây

Trung tâm Y tế Dự phòng Hải Phòng là một trong những đơn vị phải giải trình cho Bộ Y tế về 2 thiết bị gồm lò nung và tủ hút an toàn hóa học được cấp từ năm 2011 đến nay vẫn chưa sử dụng, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.

Trao đổi với VnExpress.net, tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hải Phòng cho biết 6 năm trước đơn vị xin cấp thiết bị là để sử dụng khi có cơ sở mới của Trung tâm. Tuy nhiên không ngờ dự án xây dựng cơ sở mới kéo dài cho đến nay vẫn chưa xong nên không thể dùng thiết bị.

Theo ông Cường, một trong 2 thiết bị là tủ hút hóa học an toàn, tức tủ hút khí thải ra ngoài khi làm xét nghiệm. Trụ sở trung tâm hiện hữu rất chật chội, phòng xét nghiệm ở tầng 3, cầu thang quá hẹp trong khi thiết bị không thể tháo rời để vận chuyển lên phòng xét nghiệm. Đó là lý do trung tâm buộc phải cất tủ hút hóa học ở tầng 1.

“Chúng tôi hiện niêm phong, bảo quản thiết bị, hy vọng một vài năm nữa khi cơ sở mới được xây dựng thì có điều kiện sử dụng thiết bị này”, tiến sĩ Cường nói.

Vị lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng cũng khẳng định không có chuyện tận dụng các thiết bị này làm “tủ đựng tài liệu” như Kiểm toán nêu. Theo ông, thời điểm Kiểm toán Nhà nước kiểm tra, nhân viên trung tâm có đặt một vài quyển sổ xét nghiệm vào tủ. 

trung-tam-y-te-hai-phong-thiet-bi-niem-phong-6-nam-do-tru-so-moi-chua-xay

Năm 2016, máy X-quang tiền tỷ tại Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi “đắp chiếu” vì không có người vận hành. Ảnh: Báo Sức khỏe đời sống.

Chia sẻ bên lề Quốc hội ngày 25/5, bà Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng chuyện thiết bị “đắp chiếu” thường xuyên xảy ra không chỉ ở những đơn vị được kiểm toán và mua bằng tiền ngân sách. Có rất nhiều nguyên nhân cho tình trạng cất kho này, như thủ tục phê duyệt chậm trễ, đến khi có kết quả đấu thầu mua được máy thì nó đã lỗi thời hoặc đã được đơn vị khác cấp cho. Nhiều trường hợp hàng kém chất lượng, tính năng không tốt như được giới thiệu…

Nhiều đơn vị xin “mua trước tính sau” không lường được các tình huống xấu có thể xảy ra như chính sách bảo hiểm thay đổi hay dự án xây trụ sở nhiều năm chưa triển khai được, trường hợp Trung tâm Y tế Dự phòng Hải Phòng là một ví dụ. “Nhiều nơi cứ nghĩ là mua về sẽ dùng, sẽ có lợi, nhưng người sử dụng chưa chuẩn bị, lượng bệnh nhân chưa tính toán… nên rất khó quản lý”, bà Lan nói.

trung-tam-y-te-hai-phong-thiet-bi-niem-phong-6-nam-do-tru-so-moi-chua-xay-1

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan.

Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình Y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Tuấn cho biết, Bộ Y tế sẽ đồng bộ đấu thầu mua sắm để siết chặt quản lý. Muốn quản lý tốt trang thiết bị, các cơ sở y tế phải có đấu thầu mua sắm công khai, minh bạch, đồng thời kiểm tra khi nhận hàng.

“Trách nhiệm mua sắm, tiếp nhận, kiểm tra là của lãnh đạo bệnh viện. Là người sử dụng, bệnh viện phải có kỹ năng quản lý, biết trang thiết bị đó có hồ sơ đầy đủ hay không. Bộ đã yêu cầu các đơn vị báo cáo để có cơ sở chấn chỉnh và xử lý những sai phạm”, ông Tuấn nói.

Hôm 23/5, đại diện Kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội kết quả kiểm toán công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 phát hiện nhiều bất cập. Cụ thể, nhiều thiết bị chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng, không sử dụng được; nhiều loại được đầu tư mới nhưng “đắp chiếu” hoặc mới dùng đã hỏng. Nhiều bệnh viện chênh lệch nhiều lần giá một số loại hóa chất, vật tư y tế. Bộ Y tế đã yêu cầu 7 sở y tế, 12 bệnh viện giải trình.

Nam Phương – Võ Hải