Home » Khỏe và đẹp » Uống ‘thuốc chữa ung thư’ từ than tre, coi chừng tiền mất tật mang

Uống ‘thuốc chữa ung thư’ từ than tre, coi chừng tiền mất tật mang

Than tre củi, gáo dừa, than đá… trải qua nhiều công đoạn được xử lý thành than hoạt tính dạng mịn hoặc thô. Than hoạt tính thường được sử dụng ở hệ thống lọc nước, lọc không khí, giải ngộ độc. Gần đây một công ty ở Hải Phòng bị phát hiện bán sản phầm “hỗ trợ điều trị ung thư” từ than tre, bị tịch thu và xử phạt. 

Bác sĩ Phạm Đình Tuần, chuyên khoa ung thư, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội), cho biết than hoạt tính được dùng để giải độc theo cơ chế hấp thụ khi ngộ độc thuốc, hóa chất, một số chất độc từ nấm. Với chất axít hay kiềm mạnh, cồn metylic, etylic, muối sắt…, than hoạt tính chỉ có tác dụng hạn chế. Trên thị trường có nhiều sản phẩm từ than hoạt tính, do Pháp hay Việt Nam sản xuất. Bệnh viện Bạch Mai cũng sản xuất thuốc giải độc, dạng nhũ dịch actidoser từ nguyên liệu này.

Ngoài công dụng trên, chưa thấy công bố của nhóm nghiên cứu nào khẳng định than hoạt tính có tác dụng tiêu diệt hoặc ngăn ngừa ung thư, bác sĩ Tuần khẳng định. 

Giá thành của than hoạt tính rẻ, không có mức tiền triệu như khi nó được quảng cáo thành “sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư”. 

Bác sĩ Tuần cũng cho rằng, một quy trình sản xuất và trang thiết bị thô sơ thì rất khó đảm bảo trong các gói bột than không chứa những tạp chất nguy hại. Đặc biệt, nếu lượng chì, nhôm, sắt… vượt ngưỡng cho phép sẽ gây nguy hại khó lường đối với cơ thể.

Theo tiến sĩ Trần Thị Hồng Phương, nguyên Phó Cục trưởng Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế), một số nghiên cứu cho thấy bột than tre có tác dụng cầm máu, giải độc. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào cho thấy than tre có tác dụng điều trị hay hỗ trợ điều trị bệnh ung thư.

Sản phẩm ung thư Vinaca Co 3.2 được quảng cáo hỗ trợ điều trị ung thư được làm từ bột than tre.

Sản phẩm ung thư Vinaca Co 3.2 được quảng cáo hỗ trợ điều trị ung thư được làm từ bột than tre.

Cơ quan chức năng Hải Phòng mới đây phát hiện một cơ sở sản xuất các loại thực phẩm chức năng và hóa mỹ phẩm bằng cách nghiền thủ công than tre, nứa thành bột, sau đó pha thêm hóa chất, đóng thành viên nang hoặc hòa với nước đóng chai… Trong số này có sản phẩm Vinaca Co3.2, được quảng cáo là hỗ trợ điều trị ung thư. 

Sở Y tế Hải Phòng yêu cầu các nhà thuốc không được kinh doanh sản phẩm nói trên. 

Ông Nguyễn Tiến Sơn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng khẳng định không hề cấp phép cho sản phẩm Vinaca ung thư Co3.2. Sở chỉ cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm gồm: Vinaca Carbon đa dụng; tẩy mùi hôi cơ thể; ung thư Vi3, tẩy mùi hôi cơ thể Vi4; baby Vi6; tỉnh táo Vi7 lái xe, học tập căng thẳng, mệt mỏi cho Công ty TNHH Hồng An Phong, do ông Nguyễn Văn Tuấn làm giám đốc.

Ông Sơn cũng khẳng định, Sở cấp phép cho mặt hàng mỹ phẩm dùng ngoài da không phải thuốc hay thực phẩm chức năng. Liên quan đến tên gọi “ung thư Vi3”, ông Sơn cho biết đây là tên doanh nghiệp đặt, pháp luật không có quy định cấm đặt tên này.

Sở Y tế đã quyết định thu hồi 6 số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm của Công ty TNHH Hồng An Phong. Cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng trên chưa được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất. Sản phẩm chưa đăng ký công bố chất lượng.

Ngày 15/2, Công an quận Kiến An phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường thành phố bắt quả tang bà Đào Thị Chúc (24 tuổi) tổ chức cho gần chục công nhân sản xuất hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng rởm ngay tại nhà riêng ở phường Ngọc Sơn. Chúc không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, hàng hóa tại cơ sở.

Hơn một tấn nguyên liệu và thành phẩm bị thu giữ. Chúc bị xử phạt hành chính 44 triệu đồng sau khi thừa nhận hành vi sản xuất trái phép. Chúc khai cơ sở bắt đầu làm từ đầu năm 2017.

Hà Nội, Nam Định cũng thu giữ hàng trăm sản phẩm khác nhau tại các chi nhánh của Vinaca.


Phương Trang