Home » Khỏe và đẹp » Vi khuẩn ‘ăn thịt’ người hoành hành ở Australia

Vi khuẩn ‘ăn thịt’ người hoành hành ở Australia

Australia đang đối mặt với một đại dịch tồi tệ từ vi khuẩn “ăn thịt” mà chưa biết giải quyết thế nào, BBC đưa tin. Trên tờ Medical Journal of Australia, các bác sĩ cho biết tại bang Victoria, số người bị loét da Buruli đã tăng 400% chỉ sau bốn năm. Riêng năm ngoái, số ca nhiễm mới lên tới 275, cao hơn 51% so với năm 2016. 

“Không ai hiểu chuyện gì đang diễn ra. Chúng tôi không thể đưa ra lời khuyên nào. Thật bí ẩn“, bác sĩ Daniel O’Brien, chuyên gia bệnh truyền nhiễm bày tỏ lo lắng. Ông cho biết các ca bệnh mới ghi nhận đều nghiêm trọng hơn trước. Đặc biệt, loét da Buruli vốn chỉ xảy ra ở khu vực nhiệt đới như châu Phi chứ không phải nơi có khí hậu ôn hòa như bang Victoria. 

Chân một bệnh nhân bị loét da Buruli. Ảnh: BBC.

Chân một bệnh nhân bị loét da Buruli. Ảnh: BBC.

Loét da Buruli gây ra bởi vi khuẩn Mycobacterium ulcerans. Chúng tiết ra các chất độc phá hủy tế bào da, các mạch máu nhỏ và mỡ dưới da từ đó gây lở loét, mất da. Căn bệnh thường xuất hiện ở tay, chân nhưng đôi khi tấn công mặt và cơ thể.

Theo thời gian, vùng da bị tổn thương lớn dần lên, dẫn đến nguy cơ biến dạng vĩnh viễn hoặc tàn tật. Bệnh nhân thường mất 6-12 tháng để hồi phục, trong đó rất nhiều người cần phẫu thuật tái tạo da.

Tới nay y học chưa thể xác định con người nhiễm vi khuẩn “ăn thịt” Mycobacterium ulcerans như thế nào. Vài ý kiến nhận định căn bệnh xuất phát từ các yếu tố môi trường như nước mưa, mặt đất. Số khác suy luận muỗi là thủ phạm lây truyền vi khuẩn. 

Hiện giới chức Victoria đã chi hơn một triệu dollar Australia (tương đương 780.000 USD) nhằm nghiên cứu bệnh loét da Buruli đồng thời tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng. 

Minh Nguyên