Home » Khỏe và đẹp » Vì sao phải tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc trị ung thư được viện trợ?

Vì sao phải tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc trị ung thư được viện trợ?

Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM cho biết theo chương trình GIPAP, khoảng 700 bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy được viện trợ miễn phí hoàn toàn thuốc Glivec. Đến cuối tháng 7/2013, khoảng 25% người bệnh kháng thuốc Glivec, tương đương gần 200 người cần được điều trị tiếp tục bằng thuốc Tasgina. Nếu bệnh nhân thiếu thuốc thì bệnh có khả năng tiến triển tử vong.

Khi điều trị bằng Tasgina, bệnh nhân phải trả khoảng 800 triệu đồng đến 1 tỷ mỗi năm. Sau thời gian bệnh viện đàm phán, công ty dược đồng ý viện trợ thuốc theo chương trình Tasgina Copay tức chỉ miễn phí 11,5 tháng và bệnh nhân phải đồng chi trả 4%, tương đương 42 triệu đồng một năm. Dựa vào thực tế khả năng đồng chi trả của người bệnh, bệnh viện dự kiến nhập 34.608 viên thuốc cho khoảng 50 người bệnh đủ điều kiện tham gia điều trị.

Thuốc Tasgina. Ảnh: tradeindia

Thuốc Tasgina. Ảnh: tradeindia

Thông thường một loại thuốc đã được Cục quản lý Dược cho phép thì quá trình làm thủ tục nhập hàng viện trợ rất nhanh, chỉ mất khoảng 3 tháng. Riêng thuốc Tasigna do bệnh viện là nơi đầu tiên trong cả nước đề xuất nhập nên thủ tục kéo dài khoảng một năm”, bác sĩ Dũng cho biết. Bệnh viện gửi văn bản đến Cục Quản lý Dược tháng 12/2013 để có giấy phép lưu hành. Sau khi trình lên Sở, UBND TP HCM để được phê duyệt vào tháng 6/2014 thì Hải quan TP HCM không cho bệnh viện tiếp nhận lô thuốc  do theo quy định hạn dùng còn lại kể từ ngày nhập cảng Việt Nam không dưới 12 tháng. Bệnh viện và Sở Y tế TP HCM đã đề nghị hải quan xem xét, hỗ trợ, đến ngày 13/8/2014 bệnh viện nhập kho lô thuốc trên thì hạn sử dụng của lô thuốc chỉ còn 10 tháng.

Theo bác sĩ Dũng ngoài việc thủ tục kéo dài vì lần đầu tiếp nhập thuốc, nguyên nhân khiến không sử dụng hết thuốc còn do khi nhập xong thì chỉ 26 bệnh nhân có khả năng đồng chi trả để điều trị, không phải 50 như dự kiến. Bệnh viện đã đưa ra nhiều giải pháp để tránh lãng phí nguồn thuốc như đề xuất nhà viện trợ miễn phí luôn 42 triệu đồng cho bệnh nhân, mở rộng chương trình cho các bệnh nhân khác tham gia… nhưng không nhận được sự chấp thuận. Việc kêu gọi tài trợ giúp bệnh nhân đủ tiền điều trị cũng không đáng kể.

Bác sĩ Dũng nhận định, dù rất đau lòng phải hủy bỏ thuốc nhưng sự việc đã mở ra nhiều cơ hội cho bệnh nhân Việt Nam. Trước mắt đã cứu được 26 người bệnh sử dụng kịp thời thuốc ở thời điểm đó. Ngày 1/1/2015, công ty dược và Bộ Y tế đã mở chương trình GIPAP 2. Bệnh nhân nếu đã có đăng ký bảo hiểm liên tục trên 3 năm sẽ không phải trả 42 triệu đồng nữa mà được sử dụng thuốc Tasigna miễn phí, trong đó bảo hiểm trả 40%, công ty trả 60%.

Hiện Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM có 150 bệnh nhân được nhận thuốc Tagsina. Những bệnh nhân không có bảo hiểm hoặc chưa đủ thời gian đăng ký bảo hiểm 3 năm sẽ chi trả 4% theo chương trình Tagsina Copay. “Tính theo giá thuốc của năm 2015, giá tiền gần 20.000 viên thuốc là khoảng 4 tỷ đồng. Do bệnh viện sơ suất không kiểm tra kỹ bản dự thảo thanh tra nên bị kết luận nhầm thành gần 14 tỷ đồng”, bác sĩ Dũng nói.

Cả nước hiện có khoảng 3.000 bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy, riêng Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM quản lý 1.300 người. Trước đây chỉ có cách chữa bằng ghép tủy, hiện việc điều trị bằng các thuốc này mang lại hiệu quả cao. Bệnh viện đang đề xuất công ty dược cho phép các trung tâm trong cả nước có thể mượn thuốc qua lại, cung cấp thuốc có hạn sử dụng dài hơn.

Thanh tra TP HCM vừa công bố 19.997 viên thuốc Tasigna 200 mg trị ung thư máu được nước ngoài viện trợ cho Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM phải hủy bỏ vì hết hạn sử dụng vào năm 2015. 

Lê Phương