Home » Khỏe và đẹp » Vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình xảy ra như thế nào

Vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình xảy ra như thế nào

18 bệnh nhân chạy thận chia vào 3 buồng, với 12 điều dưỡng và 3 y bác sĩ phụ trách toàn bộ ca chạy thận. Họ đều là những bệnh nhân suy thận mãn điều trị lâu năm ở bệnh viện, cứ đều đặn 3 lần một tuần đến lọc máu chu kỳ.

45 phút sau, gần như cùng một lúc cả 18 người xuất hiện tình trạng khó thở, buồn nôn, đau bụng, ngứa, tiêu chảy… Ngay lập tức, khoa cho dừng chạy thận, toàn bộ bác sĩ hồi sức tích cực được huy động cấp cứu các nạn nhân. Hơn 100 y bác sĩ vừa khám, phân loại bệnh nhân, tập trung cấp cứu ca nặng. Mọi nỗ lực của đội ngũ y tế vẫn không cứu được nhiều nạn nhân, khi từng người lần lượt tử vong, trong đó có người đã chạy thận đến 10 năm.  

Được thông báo có tai biến nghiêm trọng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương một mặt huy động lực lượng cứu chữa người bệnh, mặt khác báo cáo Bộ Y tế và xin chi viện từ Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ê kíp đầu tiên của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp tốc lên đường đến Bệnh viện tỉnh Hòa Bình lúc 14h cùng ngày thì bệnh nhân thứ 6 đã mất. 

vu-tai-bien-chay-than-o-hoa-binh-xay-ra-nhu-the-nao

Kíp y bác sĩ nỗ lực hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân bị tai biến khi chạy thận. Ảnh: N.P.

Các y bác sĩ Bạch Mai ngay lập tức bắt tay cùng đồng nghiệp Hòa Bình cấp cứu 12 người bệnh nghi sốc phản vệ còn lại, trong đó có 2 bệnh nhân rất nặng cấp cứu tại khoa Hồi sức tích cực. Chỉ cần 2 người này có dấu hiệu nặng lên, lập tức cả ê kíp 5-6 y bác sĩ lao vào bóp bóng, ép tim… Đến 21h, nam bệnh nhân 60 tuổi bị tụt huyết áp đã không thể qua khỏi. Ông là người thứ 7 ra đi.

Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục theo dõi sát sức khỏe bệnh nhân nữ nguy kịch còn lại. “Khi nào bệnh nhân này tạm ổn, chúng tôi mới tính phương án chuyển viện”.

10 người còn lại khi ấy bác sĩ nhận định, chưa tiên lượng được khả năng thoát nguy kịch và đã chuyển khẩn sang Bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình để chạy thận tiếp. Đến 21h đêm, bác sĩ đánh giá sức khỏe họ đã ổn nên lập tức chuyển tất cả về Bệnh viện Bạch Mai.

Công an đã phong tỏa hiện trường ngay sau khi tai biến xảy ra. Khoa Thận nhân tạo phải ngừng hoạt động, niêm phong trang thiết bị, thuốc và hồ sơ để phục vụ điều tra. Khoa này đang điều trị lọc máu cho hơn 100 bệnh nhân suy thận mãn, các bác sĩ lên phương án phân bố họ về các bệnh viện ở Hà Nội. 

Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, bệnh nhân chạy thận rất đặc thù. Họ gắn bó với khoa nhiều năm, chia sẻ vui buồn với các y bác sĩ. Khi họ mất, nhiều nhân viên y tế khóc như người thân đột ngột ra đi. Một điều dưỡng thẫn thờ chia sẻ: “Chúng tôi đã khóc vì không cứu được họ”.

“Chúng tôi xin lỗi người bệnh vì sự cố y khoa đáng tiếc này. Thay mặt lãnh đạo bệnh viện, tôi xin gửi lời chia buồn tới toàn thể gia đình các bệnh nhân”, bác sĩ Dương nói thêm.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình xin lỗi bệnh nhân

Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thành lập được hơn 10 năm. Hiện có 126 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại đây. Sau sự cố này khoa tạm thời dừng hoạt động. Nguyên nhân tai biến đang được điều tra. Việc khám nghiệm các thi thể đã hoàn tất ngay trong đêm 29/5. Bộ Y tế đánh giá đây là ca tai biến y khoa nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua.

Nam Phương