Home » Khỏe và đẹp » Nỗ lực hồi sinh người đàn ông nhiều lần chết đi sống lại

Nỗ lực hồi sinh người đàn ông nhiều lần chết đi sống lại

Người đàn ông 60 tuổi sức khỏe đang bình thường thì đột nhiên chóng mặt, ngất xỉu, ngưng tim ngưng thở và được đưa vào phòng khám gần nhà cấp cứu. Khi có dấu hiệu sự sống, bệnh nhân trên đường được chuyển vào Bệnh viện Thống Nhất thì trái tim lại tiếp tục ngừng đập, hơi thở tắt hẳn.

Không đành lòng buông xuôi, các bác sĩ khoa cấp cứu đã nỗ lực dùng thuốc kích tim, nâng huyết áp, đánh sốc điện, ép tim, đặt ống thở để đưa bệnh nhân một lần nữa từ cõi chết trở về. Tiến sĩ Hoàng Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Thống Nhất cho biết nhờ cấp cứu hiệu quả, kịp thời và tích cực nên bệnh nhân từ trạng thái “ngưng tim ngưng thở” đã trở lại tỉnh táo, nói chuyện được vào hôm sau. Tuy nhiên vài giờ sau ông lại liên tục lên cơn vật vã, khó thở.

“Diễn tiến ca bệnh vô cùng cam go bất thường. Bệnh nhân nhiều lần sống đi chết lại, vừa tỉnh táo tự thở được, rút ống nội khí quản vài giờ thì lại rơi vào suy hô hấp”, bác sĩ Quang chia sẻ. Song song với điều trị phù phổi cấp, các bác sĩ phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ bệnh cảnh có liên quan đến hội chứng mạch vành cấp nên đã tiến hành hội chẩn cùng bác sĩ tim mạch. Quy trình chụp và can thiệp mạch vành cấp được triển khai gấp rút cho bệnh nhân.

Hình ảnh vành bệnh nhân sau khi can thiệp.

Hình ảnh mạch vành bệnh nhân sau khi can thiệp.

Phó giáo sư Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, phụ trách khối Tim mạch can thiệp cho biết kết quả kiểm tra ghi nhận bệnh nhân có tổn thương mạch vành nặng nề ở cả 2 nhánh hai bên phải và trái. Nhánh mạch vành bên phải lớn, hẹp khít lan tỏa đoạn giữa. Động mạch vành trái hẹp nặng đe dọa ngay đoạn gần nhánh liên thất trước lớn. Bệnh nhân được can thiệp đặt stent để mở dòng chảy 2 nhánh của mạch vành trái.

“Do can thiệp trong bệnh cảnh nguy kịch, bệnh nhân vẫn suy hô hấp, thở máy, huyết động không ổn định nên phải duy trì song song 2 ê kíp”, bác sĩ Dũng nói. Một kíp bác sĩ lo hồi sức về tuần hoàn hô hấp, hỗ trợ thở, nâng huyết áp bệnh nhân để một kíp khác tiến hành đặt stent. Vượt qua ca can thiệp nhiều thử thách, bệnh nhân nhanh chóng hồi phục đi đứng khỏe mạnh, không còn khó thở thất thường.

Theo bác sĩ Dũng, ở những bệnh nhân ngưng tim ngưng thở, đột tử sau khi được cứu sống lại, luôn phải nghĩ đến một trong những nguyên nhân chính là bệnh động mạch vành. Một số bệnh nhân trước đó hoàn toàn không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất mơ hồ không điển hình. Chỉ khi phát hiện và giải quyết được nguyên nhân gốc rễ thì tính mạng bệnh nhân mới không bị tiếp tục đe dọa và an toàn thật sự.  

Lê Phương