Home » Khỏe và đẹp » Phòng ngừa tai nạn té ngã ở người già

Phòng ngừa tai nạn té ngã ở người già

Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM vừa tiếp nhận cụ ông 99 tuổi bị gãy xương do trượt té trong nhà vệ sinh. Kết quả chụp phim cho thấy vị trí gãy tại liên mấu chuyển xương đùi phải. Bệnh nhân lớn tuổi lại có tiền sử tăng huyết áp, thuộc nhóm nguy cơ cao nên các bác sĩ cân nhắc chọn phương pháp phẫu thuật ở mức an toàn nhất.

Bệnh nhân sức khỏe yếu nên các bác sĩ yêu cầu ông cụ nằm viện lâu hơn để theo dõi. Sau khi vết thương ổn, các điều dưỡng mới cho bệnh nhân tập vật lý trị liệu và hướng dẫn đi lại an toàn.

phong-ngua-tai-nan-te-nga-o-nguoi-gia

Một bệnh nhân lớn tuổi đang được điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Ảnh: TT.

Ở tuổi 96, bà Xuyến ở Bến Tre cũng bị gãy xương do ngã từ trên ghế xuống. Thời gian đầu bác sĩ địa phương kê toa thuốc cho uống nhưng tình trạng không thuyên giảm, cụ bà được chuyển lên TP HCM điều trị tiếp. Sau khi chụp phim, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị gãy liên mấu chuyển xương đùi trái, cần phẫu thuật thay khớp háng bán phần. Bệnh nhân bị tăng huyết áp vô căn nên người nhà không muốn cho bà phẫu thuật. Tuy nhiên sau khi nghe bác sĩ tư vấn, gia đình đã đồng ý cho bà điều trị. Đến nay bệnh trạng của bà Xuyến đã cải thiện, chỗ xương gãy đang lành dần.

Bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, khuyến cáo các gia đình có người lớn tuổi nên chú ý đến vấn đề an toàn, tốt nhất không để các cụ phải di chuyển một mình ở những nơi trơn trượt hay bậc cao dễ té ngã. Trường hợp không may xảy ra tai nạn, nên đến bệnh viện có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh để lâu diễn tiến xấu.

Bác sĩ Khanh giải thích: Ở người cao tuổi mật độ canxi giảm nên xương rất giòn dễ bị gãy. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh đối mặt với nguy cơ nằm một chỗ, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng phổi, loét do tì đè, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày và chất lượng cuộc sống.

Trong trường hợp có chỉ định phẫu thuật cho người cao tuổi, cần phải cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ dựa trên thể trạng cùng bệnh lý mạn tính đi kèm. Ngoài ra quá trình điều trị cần có sự phối hợp giữa nhiều chuyên khoa liên quan như Tim mạch, Hô hấp, Lão khoa, Gây mê hồi sức, Vật lý trị liệu, Chấn thương chỉnh hình….

Bệnh nhân lớn tuổi sau khi phẫu thuật điều trị chấn thương xương khớp, bác sĩ khuyên gia đình thường xuyên quan tâm, theo dõi, giúp các cụ giảm nhẹ bệnh và tinh thần thoải mái. Nhân viên y tế cần trao đổi, tư vấn những kiến thức cơ bản cũng như dự báo biến chứng để hạn chế tác động tiêu cực, nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng sống cho người bệnh.

Ở góc độ khác, bác sĩ Thân Hà Ngọc Thể, Trưởng khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ, cảnh báo dân số Việt Nam đang già hóa nhanh, song việc chăm sóc y tế cho người lớn tuổi chưa được quan tâm đúng mức.

Người già thường dễ bị tổn thương, sức khỏe suy yếu, sa sút trí tuệ, suy giảm chức năng và giác quan, cần phải dùng nhiều thuốc, tình trạng này kéo theo suy giảm chất lượng cuộc sống. Trong khi đó nhiều người có quan điểm sai lầm cho rằng các triệu chứng bất thường ở người già là một phần tất yếu của lão hóa nên không cần chữa trị, dẫn đến phát hiện triệu chứng trễ, khó điều trị. Khi đó người bệnh lớn tuổi trở thành gánh nặng cho cả gia đình và xã hội.

Theo nghiên cứu của Freeborn năm 2000, 83% người cao tuổi phải chịu đựng những triệu chứng bất lợi cuối đời như khó thở, mệt mỏi (80%), đau đớn 45%, rối loạn tri giác 34%.

Bác sĩ Thể khuyến nghị cộng đồng cần quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, đặc biệt là các cụ gặp vấn đề sức khỏe liên quan đến lão hóa. Chăm sóc đúng cách giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh, giảm té ngã, tránh nguy cơ tàn tật, đồng thời giúp cải thiện tâm lý và kiểm soát triệu chứng tốt hơn.

Nhân kỷ niệm 16 năm Quốc tế người cao tuổi, sáng 24/9 Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM tổ chức ngày hội chăm sóc sức khỏe với chủ đề “Phòng bệnh trước khi quá muộn”. Bệnh nhân 60 tuổi trở lên được các bác sĩ tư vấn sức khỏe, kiểm tra sinh niệu, đường huyết, đo điện tim, hướng dẫn tập dưỡng sinh, yoga và tham gia tọa đàm phòng ngừa các bệnh thường gặp ở người già. Đăng ký tham dự miễn phí qua điện thoại: 028 3952 5449 – 028 3952 5422 (giờ hành chính).

Trần Ngoan