Home » Khỏe và đẹp » Ước mơ thành bác sĩ của bé gái 9 tuổi mắc bệnh ung thư máu

Ước mơ thành bác sĩ của bé gái 9 tuổi mắc bệnh ung thư máu

Những ngày này, khi mạng xã hội tràn ngập hình ảnh các bé áo trắng tinh tươm đến trường, thì nhiều em phải dang dở việc học, bỏ lại ước mơ vì bệnh ung thư.

uoc-mo-thanh-bac-si-cua-be-gai-9-tuoi-mac-benh-ung-thu-mau

Bệnh nhi Phùng Thị Ngọc Chi, 9 tuổi ở Bến Tre đang điều trị tại Khoa Nội 3 Bệnh viện Ung bướu TP HCM. Ảnh: AT

“Ngọc Chi sinh ra lành lặn, bình thường như những đứa trẻ khác. Đến hơn một tuổi, thấy da của con hơi xanh xao, tôi đưa con đi kiểm tra thì phát hiện bị ung thư máu”, chị Hiệp – mẹ Nhi chia sẻ.

Nhập viện, em phải truyền 8 toa hóa chất và uống hơn 30 toa. Sau 2 năm, sức khỏe dần ổn định, em được chuyển qua giai đoạn duy trì, hai, ba tháng đến bệnh viện tái khám một lần. Thời gian này, Chi được đến lớp như bao bạn bè đồng trang lứa.

Sức khỏe yếu, cô bé thường xuyên nghỉ học, có khi nhập viện đến 20 ngày nhưng về nhà là đòi mẹ đưa đi học. Thấy con vất vả cập nhật kiến thức để theo kịp các bạn, chị Hiệp khuyên Chi đừng quá cố gắng ảnh hưởng sức khỏe.

Trái với lo lắng của mẹ, Ngọc Chi luôn hào hứng. Em mượn tập của bạn về nhà tự học, bài không hiểu lại nhờ anh trai chỉ giúp. Chi học rất giỏi, năm nào cũng nằm trong top đứng đầu lớp.

Em không dám chạy nhảy, giờ ra chơi chỉ ngồi góc sân nhìn các bạn vui đùa. “Các bạn và giáo viên rất thương con. Lần nào đi trị bệnh về, ai cũng đến hỏi: ‘Chi trị bệnh có đau không?’. Thầy, cô luôn giúp con học lại bài những hôm nghỉ”, Chi nói. Năm học vừa rồi, em đã hoàn thành xong chương trình lớp 3 và chuẩn bị lên lớp 4. Thế nhưng, chưa kịp quần áo mới tựu trường thì bệnh tái phát.

Năm 2016, sau một giấc ngủ trưa, Chi tỉnh dậy, đau đầu, nôn ói và không biết mình là ai. Gia đình đưa đến bệnh viện, sau các xét nghiệm, chụp MRI, kết quả cho thấy ung thư đã di căn lên não. Bác sĩ Minh Kim, khoa Nội 3, Bệnh viện Ung bướu nhớ lại: “Lúc đó, bệnh Nhi diễn tiến xấu, bé lại gặp vấn đề về tim do tác dụng phụ của thuốc tích lũy trong thời gian dài”.

Quay trở lại bệnh viện, ước mơ được đi học dang dở thay vào đó là cuộc chiến với những cơn đau sau mỗi lần truyền thuốc. Không đầu hàng số phận, khi biết có lớp học dành cho bệnh nhân ung thư, Chi kiên quyết xin mẹ tham gia. Từ đó, dù rất mệt, tay bị truyền nước nhưng em không bỏ lỡ một buổi học nào.

Các bác sĩ cho biết, đầu năm học rất nhiều bệnh nhân nhí xin về để được đến trường. Sau khi truyền thuốc kiểm tra sức khỏe, bệnh nhi sẽ được nghỉ 3 đến 4 tuần, các em có thể về nhà đi học. Đối với trường hợp bệnh nặng phải vô thuốc liên tục hay xuất hiện tác dụng phụ làm giảm sức đề kháng dẫn đến sốt, ho, viêm phổi, tiêu chảy thì buộc phải nghỉ học. Các em có thể tham gia lớp học ở bệnh viện để không quên kiến thức.

Ở lớp học này, tùy theo độ tuổi các em được học chữ, tô màu, ca hát và vui chơi… các em sẽ bớt nhớ trường lớp. “ Tuy lớp học không đáp ứng được kiến thức cho các em như ở trường. Nhưng đó là món ăn tinh thần giúp các em có thêm động lực để điều trị. Hầu hết các bé ở đây đều rất ham học, hôm nào không đến lớp được, các cô cũng dành thời gian ghé thăm động viên các em cố gắng điều trị”, bác sĩ Vĩnh Thọ, khoa Nội 3 chia sẻ.

An Tâm