Sau 10 ngày tích cực điều trị, sức khỏe các bệnh nhân này đã trở lại trạng thái ổn định. Họ trở về chu kỳ chạy thận lọc máu như trước đây.
Theo bác sĩ Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, sau khi xuất viện 10 bệnh nhân này tiếp tục được chạy thận tại Bạch Mai cho đến khi khoa thận Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình hoạt động trở lại ổn định.
Bác sĩ Bình cho biết, đêm 29/5, 10 bệnh nhân được chuyển từ Hòa Bình đến Bạch Mai trong tình trạng phản ứng phản vệ, suy thận mạn. Có bệnh nhân rất nặng do nhiễm toan chuyển hóa. Khi nhập viện, họ được đánh giá tình trạng và phân về điều trị ở từng khoa để theo dõi tình trạng tuần hoàn, hô hấp, lọc máu, sử dụng kháng sinh…
Bà Bùi Thị Rấm cùng những bệnh nhân khác xuất viện sáng 8/6. Ảnh: L.N. |
Bà Bùi Thị Rấm, một trong 10 bệnh nhân thoát chết cho biết hiện sức khỏe của bà ổn định song vẫn còn mệt. 10 ngày sau tai biến, bà sụt cân 2 kg. “Tôi vẫn còn bị ám ảnh hình ảnh những người khi bị tai biến”, bà Rấm nói. Sau khi xuất viện, bà Rấm sẽ tiếp tục được theo dõi tại khoa Tiết niệu và chạy thận theo chu kỳ tuần 3 buổi.
Bệnh nhân Hòa Bình gặp tai biến chạy thận được đưa về điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: L.N. |
Sáng 29/5, 18 bệnh nhân suy thận mãn đang chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đột ngột có dấu hiệu bất thường. 8 người tử vong lần lượt tử vong;10 người được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai ngay trong đêm. Nguyên nhân gây tai biến ban đầu được Hội đồng chuyên môn nghiêng về khả năng nguồn nước chạy thận. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương sáng 8/6 bị đình chỉ công tác cùng 2 cán bộ khác của bệnh viện.
Bộ Y tế đánh giá đây là ca tai biến y khoa nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua. Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án để điều tra nguyên nhân tai biến.
Lê Nga