“Khi ấy phòng trào chưa sôi nổi như bây giờ, máu tại các bệnh viện còn thiếu nhiều”, cô Thắm nhớ lại. Bắt đầu tham gia hiến máu từ khi 22 tuổi, cô giáo dạy Văn luôn duy trì đều đặn, trừ hai lần gián đoạn để sinh con. Đến nay cô đã 50 lần hiến máu cứu người, luôn được gia đình ủng hộ.
Có lần đồng nghiệp chung trường bị tiền sản giật thiếu máu nghiêm trọng, nguy hiểm tính mạng, bác sĩ đã huy động nguồn máu dự trữ nhưng vẫn không đủ. Cô Ngọc Thắm khi đó vừa hiến máu 100 ngày nên được khuyên không nên hiến tiếp. Nữ đồng nghiệp rơi vào nguy kịch, vẫn không thể huy động đủ máu nên cô quyết định tiếp tục hiến máu của mình.
Cô giáo Ngọc Thắm (bên phải) và bà Võ Kiều Hạnh tại lễ tôn vinh những người hiến máu TP HCM ngày 9/6. Ảnh: T.P |
Cô giáo Thắm được tuyên dương tại lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu tại TP HCM hôm 9/6. Một phụ nữ khác cũng được tôn vinh là bà Võ Kiều Hạnh. Gây ấn tượng với vẻ khỏe mạnh cùng làn da bánh mật, ở tuổi 55, bà Hạnh trải qua 43 lần chia sẻ nguồn máu của mình. Người phụ nữ ở Hóc Môn bắt đầu tham gia từ năm 35 tuổi, đi đầu trong phòng trào phụ nữ của ấp. Không chỉ vận động chị em trong ấp, bà còn thuyết phục cả gia đình cùng tham gia công việc tình nguyện này.
“Mới đầu tôi toàn phải lén đi vì ai cũng phản đối. Sau thấy tôi vừa giúp được người khác mà vẫn khỏe mạnh nên mọi người cùng hào hứng tham gia”, bà Hạnh tươi cười. Mẹ và các anh chị em của bà cũng nhiều lần hiến máu cứu người nên cả gia đình từng nhận được bằng khen của thành phố.
Nhân Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu 14/6, TP HCM khen thưởng 752 người đã nhiều lần hiến máu tình nguyện. Ảnh: T.P |
Bác sĩ Lê Quang Ninh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP HCM cho biết Trung tâm Hiến máu nhân đạo từ khi thành lập vào tháng 12/1994 đến nay đã tiếp nhận hơn 2,3 triệu đơn vị máu từ hơn 2 triệu người dân. Có những người hiến thường xuyên và đều đặn trên 80 lần. Đặc biệt đội hiến máu dự bị 10.000 người luôn trong tư thế sẵn sàng đưa dòng máu của mình đến các bệnh nhân cần máu khẩn cấp. Gần 200 người trong đội máu hiếm sẵn sàng cứu giúp các bệnh nhân mang máu Rh- vượt qua cơn thập thử nhất sinh.
“Mọi người cần hiểu rằng hiến máu không gây đau đớn. Hiến máu rất an toàn và không làm người hiến cảm thấy ốm yếu hay mệt mỏi, vì thế không nên sợ hãi”, bác sĩ Ninh chia sẻ. Những người hiến tặng máu là người bình thường nhưng đối với người bệnh, họ là anh hùng. Hàng năm trên thế giới có hàng trăm triệu lượt người được cứu sống nhờ nguồn máu hiến tặng để truyền.