Bệnh nhân nữ 60 tuổi nhập viện vì khò khè, khó thở, tiền sử tăng huyết áp đang điều trị thuốc hàng ngày. Lúc bà nhập viện, hơi thở nhanh nông, có co kéo cơ hô hấp phụ…, bác sĩ Tuấn cho uống thuốc và chỉ định làm xét nghiệm.
Lát sau bác sĩ đang ngồi viết dở hồ sơ thì chồng bệnh nhân mở cửa xông vào phòng làm việc. Ông tự giới thiệu quen nhiều bác sĩ kể cả giám đốc Sở Y tế… rồi hỏi tình trạng bệnh của vợ. Bác sĩ đáp đang theo dõi cơn hen phế quản cấp tính trong khi vợ ông có tiền sử tăng huyết áp, không bị hen trước đó.
“Cô ấy khó thở, phổi nghe nhiều ran không tốt, điện tâm đồ có hình ảnh thiếu máu cơ tim, X-quang tim phổi chưa ghi nhận gì bất thường, đang chờ kết quả xét nghiệm máu đầy đủ để kết luận chẩn đoán. Tình trạng của cô ấy khả năng là sẽ nhập viện theo dõi và điều trị tiếp”, bác sĩ thông báo chi tiết.
Bất ngờ người chồng đập bàn, chỉ tay vào mặt bác sĩ mắng: “Chưa có đầy đủ xét nghiệm mà dám nói bệnh nhân mắc bệnh này bệnh kia. Bằng chứng đâu mà anh nói vợ tôi hen phế quản? Theo dõi cái gì đến khi người ta chết à?”. Ông giận dữ “làm bác sĩ mà vô tâm vô đức, nói như vậy sẽ khiến người nhà bệnh nhân vô cùng lo lắng”, rồi cho biết “sẽ gọi điện trực tiếp cho đường dây nóng của Bộ Y tế” để phản ánh.
“Tôi vẫn bình tĩnh giải thích là chờ kết quả xét nghiệm để khẳng định chẩn đoán, khuyên chú ấy chờ đợi”, bác sĩ Tuấn chia sẻ. Người đàn ông mặt đỏ bừng quay người đi ra và gọi điện cho ai đó. Lát sau có đầy đủ kết quả xét nghiệm, bác sĩ mời người chồng vào giải thích tình trạng của vợ ông đúng là cần nhập viện. Người đàn ông lúc này đã bớt nóng nảy, dịu giọng phê bình bác sĩ: “Cậu còn trẻ nên thiếu kỹ năng giao tiếp, thiếu kinh nghiệm, thiếu nhiều thứ lắm”.
Tâm sự sau đó, người đàn ông cho biết 20 năm trước ông đã mất đi một đứa con vì sự tắc trách của bác sĩ. “Bác sĩ khi đấy cũng chẩn đoán phải theo dõi, rồi chưa làm đủ các xét nghiệm đã kết luận vội vàng bệnh để cuối cùng con tôi phải ra đi”, ông nghẹn lời cố ngăn nước mắt. Đó là lý do ông cảm thấy rất tức giận khi bác sĩ Tuấn thông báo vợ ông sẽ phải “nhập viện theo dõi thêm”.
Ông nhắn nhủ: “Nên nói năng với người khác cẩn thận hơn, làm tổn thương một người là vô tâm lắm. Bác sĩ giải thích chuyên môn với bệnh nhân như một cái máy mà không quan tâm họ nghĩ gì, cảm thấy ra sao”.
Chia sẻ với VnExpress.net, bác sĩ Tuấn cho biết “sống mũi cay cay” khi nghe chồng bệnh nhân kể câu chuyện của ông. “Khi ấy tôi nhớ lại hình ảnh ngày còn nhỏ tôi cũng từng chạy vào khoa cấp cứu để đưa bố về nhà”, bác sĩ Tuấn nói. Anh nói rằng bố anh lúc ấy bị bệnh, nằm viện theo dõi “với một mớ chẩn đoán nhập nhằng và dùng thuốc sai”, để rồi khi bố vào cơn đau ngực nhồi máu thì đã muộn.
“Tôi không kể với chú ấy chuyện này, tự thấy chuyện gì đã qua rồi thì cảm xúc cùng với nó cũng qua, không còn đủ sức khơi gợi những đau đớn hận thù”, bác sĩ chia sẻ. Anh cho rằng có lẽ người đàn ông còn ôm nỗi đau quá khứ lại lo lắng cho vợ nên mới phản ứng như vậy.
Một người mang trong lòng tổn thương quá lớn thì luôn sẵn sàng gây “sát thương” cho bất kỳ ai, nhân danh nỗi đau, vị bác sĩ kết luận.