Theo Changenews, mới 48 tuổi và luôn chú ý giữ gìn sức khỏe, Sally đã bị tới 5 lần nhồi máu cơ tim. 3 lần đầu tiên diễn ra chỉ trong một tuần, khi cô 36 tuổi. Tình hình nghiêm trọng tới mức có lúc chồng cô mắt lệ nhòa bước vào phòng bệnh để nói lời vĩnh biệt vợ.
Nhưng Sally đã không chết và vượt qua được giai đoạn khủng hoảng đó. Yên ổn được hơn 10 năm, tình trạng lại tái diễn và cô thêm 2 lần nhồi máu cơ tim. “Tôi lại hồi phục lần nữa và quyết tâm phải sống tốt hơn bao giờ hết. Sau những lần nhồi máu cơ tim, tôi đã tiếp cận đến một chế độ ăn cân bằng và lành mạnh”, người phụ nữ nói.
Cô bắt đầu viết ra những công thức nấu ăn của riêng mình. Các bác sĩ kinh ngạc trước sự hồi phục của cô và đồng ý rằng việc hướng tới lối sống lành mạnh giúp cô chiến thắng bệnh tật. “Phu nhân cựu Tổng thống Mỹ Michelle Obama, một người ủng hộ tuyệt vời cho dinh dưỡng lành mạnh, đã mua 12 cuốn trong bộ sưu tập công thức chế biến món ăn lành mạnh đầu tiên của tôi sau chuyến đi Anh”, Sally tự hào cho biết.
Sally tự tạo ra chế độ ăn lành mạnh sau 5 lần nhồi máu cơ tim. Ảnh: S.L |
Kể lại chứng bệnh nguy hiểm của mình, Sally cho biết 3 lần nhồi máu cơ tim đầu tiên của cô thuộc dạng hiếm gặp, do tình trạng rách thành mạch vành tự phát (SCAD). Không có biện pháp điều trị đặc thù cho chứng bệnh này nhưng cô đã được sử dụng thuốc chẹn beta (beta-blockers) liều cao, có tác dụng làm tim thư giãn. Cô còn dùng statins có tác dụng hạ cholesterol và kháng viêm. Dù vậy bác sĩ cảnh báo cô vẫn có thể gặp nguy cơ bị bị nhồi máu cơ tim lần nữa vào bất cứ lúc nào.
2 năm trước, cô lại đau đớn khi phát hiện ra mình bị loạn sản sợi cơ (FMD), một chứng bệnh hiếm gặp khiến các mạch máu phát triển bất thường. Động mạch trong não, cổ, tim, thận và chân của cô đều bị ảnh hưởng, đồng nghĩa với việc nguy cơ bị đột quỵ và nhồi máu cơ tim bất cứ lúc nào.
Năm ngoái, khi đang đi dạo cùng chồng, cô bất ngờ đổ sụp xuống đập mặt vào vỉa hè. Ông xã cố nâng vợ dậy nhưng cô không cử động nổi. Cuối cùng, chồng cô đã phải đưa vợ về nhà. “6 ngày sau, tôi yếu ớt ngồi dậy và cảm nhận thấy một bóng đen lơ lửng đè nặng lên mình. Tôi đã cảm nhận thấy nó vào lần nhồi máu cơ tim đầu tiên và tôi biết điều gì đang đến. Ngực xuất hiện cơn đau, tôi vấp ngã khi xuống cầu thang và chồng tôi gọi xe cấp cứu”, Sally nhớ lại.
Tại bệnh viện, xét nghiệm máu cho thấy cô bị nhồi máu cơ tim lần thứ 4. Tin này khiến cô bị sốc và gây ra cơn nhồi máu cơ tim thứ 5. Sally bắt đầu sống trong tuyệt vọng. Cô biết, nhiều người rơi vào hoàn cảnh tương tự đã phải cần cấy ghép tim mới sống nổi.
Vài ngày sau đó, cô khóc rất nhiều. Trong một khoảnh khắc, cô bừng tỉnh. Cô nghĩ về những người tuyệt vời đang ở đây chăm sóc cô. Cô không thể gục ngã. Và tin vui đã đến, mặc dù liên tục bị nhồi máu cơ tim nhưng những xét nghiệm chuyên sâu thêm cho thấy trái tim cô đã trở lại bình thường.
“Năm 2017 đầy thử thách đối với tôi nhưng tôi đã quyết tâm sẽ đối mặt. Câu thần chú hộ mệnh của tôi đơn giản thế này thôi: Mỗi ngày, hãy chắc chắn rằng bạn tốt nhất ở mức có thể”, Sally nói.
Dưới đây là thực đơn ăn uống lành mạnh của Sally:
1. Lắng nghe cơ thể bạn. Nếu bạn đói hãy ăn chứ không cần nhìn đồng hồ để ăn.
2. Loại bỏ thực phẩm chế biến sẵn. Hãy biết bạn ăn gì vào người.
3. Uống 8 ly nước một ngày. Giữ cho cơ thể được cung cấp đủ nước sẽ hỗ trợ cho toàn bộ các cơ quan.
4. Cố gắng ăn không phải 5 hay 10 mà là 7 khẩu phần trái cây và rau một ngày.
5. Trên bàn ăn, lượng rau phải thật lớn, protein (gà, thịt, cá, cây hạt đậu) có lượng trung bình và carbohydrate nên có lượng nhỏ nhất.
6. Một hay 2 lần trong tuần ăn đồ ngọt mà bạn thích sẽ không giết chết bạn. Hãy tự làm nó tại nhà.
7. Nhịn ăn suốt 12 tiếng vào buổi tối để cơ thể khởi động lại. Nếu bạn ăn sáng lúc 7h sáng, đừng ăn tối muộn hơn 7h tối.
8. Cố gắng không ăn trong lúc đang bận rộn. Hãy ngồi vào bàn và thưởng thức trọn bữa ăn.
9. Mọi thứ bạn đưa vào cơ thể đều có ảnh hưởng. Vì vậy việc ảnh hưởng đó là tích cực hay tiêu cực đều do bạn.
10. Hãy yêu cơ thể mình để ăn một chế độ ăn lành mạnh.