Bác sĩ Trần Nguyên Hà, Trưởng Khoa Nội 4 Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết, ung thư vú là một trong những bệnh thường gặp hàng đầu ở phụ nữ, với số người mắc ngày một gia tăng. Tại Việt Nam, bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn và có xu hướng trẻ hóa. Nhiều người dưới 40 tuổi, thậm chí 18-20 tuổi đã bị ung thư, thay vì trên 45 tuổi như các năm trước. Do phát hiện trễ (ở giai đoạn 2, 3) nên cần áp dụng nhiều phương pháp điều trị tốn kém và mất thời gian, tỷ lệ sống sau 5 năm mắc bệnh ở mức thấp.
Bác sĩ Trần Nguyên Hà, Trưởng Khoa Nội 4 Bệnh viện Ung bướu TP HCM. |
Nhằm giúp độc giả biết cách phòng, chữa trị và ứng phó với ung thư vú, VnExpress tổ chức buổi tọa đàm về căn bệnh này, với sự tham gia của bác sĩ Trần Nguyên Hà, Trưởng Khoa Nội 4 Bệnh viện Ung bướu TP HCM; bà Kiều Thị Lợi, bà Nguyễn Thanh Liêm – hai bệnh nhân vẫn sống khỏe mạnh sau hơn 5 năm mắc bệnh.
Bà Kiều Thị Lợi (sinh năm 1953) mắc ung thư vú ác tính vào năm 2009. Sau quá trình điều trị với phẫu thuật, hóa trị và xạ trị trong một năm và uống thuốc 5 năm, hiện bà đã khỏe mạnh. Dù căn bệnh được chẩn đoán có khả năng tái phát nhưng đến nay, sau 7 năm mắc bệnh, sức khỏe của bà vẫn ổn định.
Với bà Nguyễn Thanh Liêm (sinh năm 1953), nhờ tuân thủ phát đồ điều trị và lạc quan, bà được bác sĩ thông báo chiến thắng căn bệnh hiểm ác vào năm 2007. Hiện bà đã nghỉ hưu và sống thanh nhàn tại ngôi nhà nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3, TP HCM).
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 14,1 triệu người mắc mới và 8,2 triệu người chết do ung thư, trong đó gần 70% là ở các nước đang phát triển.
Các chuyên gia nhận định, bệnh có xu hướng gia tăng trên thế giới, do các yếu tố nguy cơ của ung thư, đồng thời có sự gia tăng nhận thức về vấn đề ung thư và cải thiện chẩn đoán nên số lượng người bệnh cao.
Trong vòng 15 năm kể từ 1990, số người Việt Nam được phát hiện ung thư hàng năm đã tăng gấp đôi. Năm 2015 có hơn 150.000 người được xác định mắc ung thư. Dự báo đến năm 2020, con số này tăng đến 200.000 người. Khoảng 80% bệnh nhân ung thư tử vong. Ở Việt Nam, ung thư đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây chết người. Dẫn đầu trong các bệnh ung thư là ung thư vú ở nữ và ung thư phổi ở nam.
Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho rằng, ung thư hoàn toàn có thể phòng ngừa được, điều trị dứt điểm nếu phát hiện kịp thời và người bệnh vẫn sống khỏe mạnh nhiều năm sau. Chiến đấu với ung thư không chỉ chờ khi phát hiện có bệnh, mà phải biết cách phòng ngừa thông qua điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống, định kỳ kiểm tra tầm soát và hiểu rõ cơ thể của mình để kịp thời phát hiện những thay đổi bất thường.
Mai Thương