Bệnh nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Khoảng một tuần trước anh bị viêm đường hô hấp trên, đau họng, sốt nhẹ, ho ít, không đi khám bác sĩ. Xét nghiệm cơ bản cho thấy bạch cầu tăng cao, bác sĩ cho nhập viện với chẩn đoán ban đầu là viêm họng và tiếp tục theo dõi.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cho biết với 3 yếu tố là bệnh nhân từng khởi phát viêm hô hấp, tim đập mạnh và bất thường về men tim, bác sĩ nghi ngờ đây là tình trạng viêm cơ tim do virus. Sau khi thực hiện thêm nhiều xét nghiệm chuyên biệt, bác sĩ xác định kết quả đúng như dự đoán.
Trong 24 giờ đầu tiên, nhịp tim bệnh nhân giảm nhanh liên tục. Nhịp tim lúc đầu là 86 lần một phút, có lúc rơi xuống thấp nhất với 49 lần một phút. Bác sĩ phải tích cực theo dõi về sinh hiệu, chống nhiễm trùng, điều trị hỗ trợ. Sau khoảng một tuần chỉ số men tim trở về bình thường, nhịp tim vẫn còn chậm nên bệnh nhân tiếp tục được dùng phác đồ chống virus.
Theo bác sĩ Vui, viêm cơ tim cấp do virus nếu không để ý thường dễ bỏ sót trong chẩn đoán. Đây là một bệnh nguy hiểm, diễn tiến trong thời gian rất nhanh, có nguy cơ gây tử vong và đột tử cao. May mắn trường hợp này phát hiện kịp thời, bệnh nhân chưa bị sốc tim. Bệnh khá hiếm gặp, đây là lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn tiếp nhận một bệnh nhân.
Thông thường virus khi vào cơ thể bước đầu thường khởi phát viêm họng, sốt, sau khoảng 5-7 ngày sẽ xâm nhập vào não hoặc các cơ quan khác. Khi tấn công vào tim virus sẽ làm tổn thương tế bào cơ tim, làm giảm sức co bóp cơ tim, rối loạn nhịp tim dẫn đến trụy mạch. Trong một số trường hợp dù được phát hiện sớm nhưng người bệnh vẫn có thể tử vong trong vòng 24-48 giờ.
Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân không chủ quan với các bệnh cảm cúm thông thường, cần theo dõi điều trị những bệnh nhiễm trùng, bội nhiễm. Phòng tránh bằng cách giữ vệ sinh, hạn chế tiếp xúc với người đang mắc bệnh virus… Khi có dấu hiệu bất thường như sốt, đau tức ngực hoặc khó thở thì nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán kịp thời, không nên tự ý uống thuốc điều trị.