Phó giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) cho rằng, với bệnh nhân ung thư, các bác sĩ thường khuyên ăn chế độ đầy đủ chất dinh dưỡng gồm vitamin, nước, khoáng chất, đường, đạm, chất béo. Ngoài ra cần giữ cân nặng hợp lý, hạn chế uống rượu, không hút thuốc lá và tập thể dục đều đặn. Một số khuyến cáo ăn chủ yếu thực phẩm có nguồn gốc thực vật, không kiêng hoàn toàn thịt.
Chưa có bằng chứng khoa học nào xác minh rằng người bênh ung thư đang điều trị nếu ăn uống đầy đủ thì khối u sẽ phát triển nhanh hơn. Ảnh minh họa tế bào ung thư: M.R. |
Nếu người bệnh muốn chọn chế độ ăn chay, phải đảm bảo rằng đây là chế độ ăn lành mạnh, đa dạng, phong phú và cung cấp đầy đủ năng lượng. Người bệnh không được cung cấp đủ năng lượng sẽ dẫn đến gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật; không đáp ứng được các phương thức điều trị ung thư đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị.
“Quan điểm không ăn thịt, đường, sữa để không nuôi tế bào ung thư phát triển là không có cơ sở khoa học”, phó giáo sư Thuấn nhấn mạnh. Hiện nay chưa có bằng chứng khoa học nào xác minh rằng người bệnh ung thư đang điều trị nếu ăn uống đầy đủ thì khối u sẽ phát triển nhanh hơn.
Điều cơ bản trước tiên trong một phác đồ điều trị ung thư là liệu pháp dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Nếu tình trạng dinh dưỡng người bệnh không cải thiện thì bác sĩ không thực hiện được phác đồ điều trị hoặc kết quả thất bại vì bệnh nhân không đủ sức chịu đựng các tác dụng phụ của phác đồ điều trị.
Vì thế người bệnh cần hiểu dinh dưỡng đầy đủ là yếu tố nâng đỡ hệ miễn dịch cơ thể, cải thiện chất lượng sống, góp phần điều trị thành công bệnh.
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 94.000 người chết vì ung thư. Cũng như các nước trên thế giới, số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam có xu hướng ngày một tăng nhanh, dự kiến sẽ gần 200.000 ca được phát hiện mới vào năm 2020. Bệnh gặp ở mọi người mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi, mọi khu vực địa lý và mọi ngành nghề. Bệnh trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người.