Dạo bộ
Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Proceedings of the Academy of Science cho thấy, người dạo bộ hoặc đạp xe 90 phút ngoài môi trường tự nhiên ít nghĩ ngợi tiêu cực hơn ngồi nhà. Tiến sĩ Ari Novick, chuyên viên trị liệu tâm lý cho biết: “Nếu thích hoạt động, bạn có khuynh hướng làm việc đó thường xuyên hơn, nhờ vậy ngăn ngừa căng thẳng”.
Không ôm việc về nhà
Theo nghiên cứu của Đại học Penn State (Mỹ), đàn ông căng thẳng hơn khi họ đang làm việc. Các chuyên gia lấy nước bọt của 122 người để kiểm tra hormone gây căng thẳng cortisol tại nhà. Những người ôm việc về làm cảm thấy stress, cuộc sống đảo lộn, hiệu quả công việc không cao. Lời khuyên cho bạn là nên rạch ròi giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi.
Stress ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người. Ảnh: Odonto Emprende |
Tập thể thao
Nghiên cứu của Trường y tế công Đại học Maryland (Mỹ) cho thấy, tập thể dục giúp quản lý các tình huống căng thẳng. Họ cho 2 nhóm sinh viên xem 90 bức ảnh gây khó chịu. Kết quả là nhóm tập thể dục có ít cảm xúc tiêu cực hơn nhóm ngồi phòng kín.
Nghỉ dưỡng
Theo khảo sát của Nielsen, những người nghỉ dưỡng hàng năm có sức khoẻ tốt hơn, ít căng thẳng, nhiều năng lượng, ham muốn tình dục cao, làm việc năng suất và hạnh phúc gia tăng. 80% những người đi nghỉ ít nhất mỗi năm một lần nói rằng, họ vẫn cảm nhận được sự lãng mạn trong mối quan hệ đôi lứa.
Nhai kẹo cao su
Nghiên cứu của Đại học Swinburne (Australia) chỉ ra rằng, nhai kẹo cao su trong lúc làm việc đa nhiệm giúp bớt căng thẳng và lo lắng, giảm cortisol, tăng tỉnh táo. Một nghiên cứu khác công bố trên Tạp chí Physiology and Behavior cũng cho thấy, hành động này làm giảm tâm trạng tiêu cực, thêm bình tĩnh và mãn nguyện. Các nhà nghiên cứu tin rằng, nhai kẹo cao su cải thiện lưu lượng máu trong não, ảnh hưởng đến cảm xúc.
Viết ra giấy
Tiến sĩ tâm lý học Kevin Chapman nói: “Khi chúng ta căng thẳng, những cảm xúc tiêu cực thường lởn vởn ở trong đầu”. Kevin gợi ý, hãy lấy giấy và vẽ một đường thẳng ở giữa. Ở cột bên trái, viết “Những điều tiêu cực mà tôi tự nói với mình”. Cột bên phải, ghi phương án thay thế. Khi thừa nhận nguyên nhân stress, bạn có thể nhận ra mình đang buồn phiền sai chỗ.
Ngủ đúng giờ
Nghiên cứu của Đại học California Berkley (Mỹ) cảnh báo, không ngủ đủ giấc sẽ gây ra chứng rối loạn lo âu. Các vùng trong não dễ nảy sinh phán ứng lo lắng quá mức khi bạn ngủ muộn, ngủ ít.
Thở sâu
Theo Harvard Medical School (Mỹ), việc kiểm soát hơi thở sẽ giúp cơ thể bình tĩnh. Cách hít thở sâu, chậm rãi từ cơ hoành chống lại nhiều biểu hiện sinh lý khi căng thẳng. Bạn có thể ngồi hoặc nằm tư thế thoải mái, nhắm mắt trong khi hít sâu vào mũi, đếm nhịp, sau đó thở ra từ từ và thư giãn. Nên thực hiện liên tiếp 10 nhịp, 2-3 lần mỗi ngày, đặc biệt là trong thời kỳ căng thẳng.
Chơi với thú nuôi
Nghiên cứu trên Tạp chí quốc tế Workplace Health Management cho thấy, mang chó đến nơi làm việc giúp giảm căng thẳng trong văn phòng và tăng độ hài lòng của nhân viên. Hiệu quả sẽ tăng lên khi bạn sở hữu chú chó của riêng mình.
Bớt cầu toàn
Người cầu toàn đặt ra các mục tiêu phi thực tế dễ cảm thấy bản thân vô dụng khi không đạt được. Khảo sát từ Đại học York (Canada) cũng cho thấy, họ có nguy cơ tự tử cao hơn. Giải pháp dành cho bạn là phá vỡ nguyên tắc, phấn đấu làm việc xuất sắc nhưng không đòi hỏi phải hoàn hảo.
Bớt kiểm tra email
Việc kiểm tra và phản hồi email công việc ngay lập tức có thể gây căng thẳng nghiêm trọng. Đại học British Columbia (Canada) nghiên cứu 124 người sử dụng thư điện tử. Họ nhận thấy người giới hạn đọc email 3 lần mỗi ngày ít căng thẳng hơn nhóm mở mail thường xuyên. Nếu buộc phải theo dõi công việc, hãy thêm email của những người quan trọng vào danh sách VIP cần phải hiển thị thông báo.
Suy nghĩ cởi mở
Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Psychiatric Practice, thái độ tò mò, cởi mở và chấp nhận có hiệu quả trong việc điều trị các triệu chứng tâm thần, đau đớn và căng thẳng. Không thể hiện suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác hiện tại khi stress sẽ giúp bình tĩnh lại bộ não, xoa dịu tinh thần.
Tập yoga
Giống như thiền, yoga sử dụng nhiều kỹ thuật thư giãn, làm cho bạn bình tĩnh hơn. Kỹ thuật thở yoga giúp trí óc thư thái tại thời điểm hiện tại và giảm căng thẳng về sau này.
Ngửi tinh dầu
Tinh dầu hoa oải hương có thể làm giảm đáng kể mức độ căng thẳng, theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Alternative and Complementary Medicine. Mùi bạc hà có thể làm tăng nhận thức và tinh thần sảng khoái hơn.
Nghe nhạc
Theo Tạp chí European Journal of Internal Medicine, âm nhạc là công cụ hiệu quả điều trị các bệnh tâm lý. “Hiệu ứng Mozart” có thể làm cho người ta cảm thấy tập trung, bớt lo lắng và trầm cảm, giảm mức độ cortisol gây ra stress.
Cười vui vẻ
Theo Mayo Clinic, tiếng cười có một số hiệu ứng ngắn hạn như kích thích tim, phổi và cơ bắp bằng cách tăng oxy; làm tăng hormone hưng phấn endorphin phát ra từ não. Cười cũng kích thích phản ứng căng thẳng của bạn, tăng nhịp tim và huyết áp, sau đó tạo ra cảm giác thư thái. Ngoài ra, nó còn cải thiện chức năng miễn dịch, giảm đau, giảm lo lắng và trầm cảm.
Massage cơ thể
Nghiên cứu trên Tạp chí Alternative and Complementary Medicine cho thấy, 45-60 phút massage thư giãn làm giảm hơn 10 nhịp tim mỗi phút, ổn định huyết áp và tăng hormone buồn ngủ serotonin. Massage thường xuyên có thể giữ cho mức cortisol trong tầm kiểm soát.
Thử thôi miên
Khi thôi miên, bác sĩ gieo những hình ảnh và hành động thư giãn vào trong tâm trí bệnh nhân. Bạn sẽ có nhiều cung bậc cảm xúc và cải thiện tinh thần sau mỗi đợt điều trị.
Quản lý thời gian
Nghiên cứu của Đại học Harvard chỉ ra, 25% hạnh phúc phụ thuộc vào mức độ kiểm soát stress. Các chuyên gia khảo sát trực tuyến 3.000 người ở 30 quốc gia và nhận thấy, những người lập kế hoạch tốt có xu hướng ít stress hơn. Việc tập trung thực hiện các công việc khó vào đầu ngày (hoặc tuần, tháng) khiến bạn thư thái hơn vào cuối chiều.
Gần gũi bạn đời
Đời sống tình dục mặn nồng giúp bạn giải tỏa stress và tăng cường sức khỏe, Đại học Cornell cho biết. Tuy nhiên, bạn nên sinh hoạt điều độ và an toàn, tình dục quá sức có thể gây hại sức khỏe.
An San