Bác sĩ Lâm Đức Hoàng, Trưởng Khoa Xạ 3, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết ung thư amidan là bệnh thường gặp, chiếm tỷ lệ 13-15% trong ung thư vùng đầu cổ. Nam mắc bệnh nhiều gấp 4 lần nữ, thường gặp ở tuổi 50-60.
Amidan nằm ở hai bên họng miệng, có thể nhận biết bằng gương soi hoặc rọi đèn pin. Ghi nhận tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM năm 2007, trên 90% ung thư amidan được phát hiện khi giai đoạn muộn.
Có rất nhiều lý do khiến ung thư vùng này được phát hiện muộn.
Triệu chứng bệnh khá mơ hồ
Theo bác sĩ Hoàng, các triệu chứng không đặc hiệu, thường gặp trong chuyên khoa tai mũi họng.
– Nuốt vướng: Dấu hiệu sớm nhất, cảm giác như có dị vật nhỏ hoặc mắc xương cá ở một bên họng miệng, kéo dài trên một tháng.
– Nuốt đau: Dấu hiệu thường gặp nhất, báo hiệu ung thư bắt đầu xâm lấn. Bệnh nhân hay chủ quan, không đi khám sớm vì nuốt đau cũng thường gặp khi viêm họng.
– Đau tai: Xuất hiện muộn hơn, cảm giác nuốt đau buốt lên tai cùng bên.
– Khạc ra máu, há miệng hạn chế là dấu hiệu báo động giai đoạn muộn, bướu đã lan rộng và xâm lấn đến cơ hàm mặt.
– Hạch cổ: Không ít bệnh nhân đến khám vì chỉ có hạch cổ đơn độc, nhưng kiểm tra kỹ lại phát hiện ung thư nguyên phát ở amidan. 70-80% ung thư amidan lúc chẩn đoán đã có di căn hạch.
Các vị trí có thể di căn. |
Amiđan là vùng nhạy cảm
Bác sĩ Hoàng phân tích, họng miệng là nơi có thần kinh cảm giác chi phối, dễ gây phản ứng buồn nôn và nôn. Do đó vùng này có thể được xem là “vùng bất khả xâm phạm”. Các bác sĩ rất khó quan sát và khám kỹ được.
Bệnh nhân có thể chủ quan nghĩ rằng các dấu hiệu trên do cảm bình thường hay quá lắm thì chỉ viêm amidan. Bệnh nhân cho rằng mua thuốc uống là khỏi và không biết đó cũng là dấu hiệu của ung thư amidan.
Amidan là nơi rất thường bị viêm nhiễm, phổ biến ở mọi lứa tuổi. Ung thư amidan lại dễ nhầm lẫn với sưng amidan một bên nên bác sĩ cũng dễ chủ quan và bỏ sót. Thường khi người bệnh có sưng amidan một bên thường được khuyến cáo cắt amidan hoặc sinh thiết.
Người đã cắt amidan rồi thì vùng hố amidan còn lại vẫn có thể bị ung thư.
Các yếu tố nguy cơ
– Hút thuốc lá, nguy cơ tùy thuộc số điếu hút, số năm hút và tuổi bắt đầu hút.
– Nghiện rượu có nguy cơ gấp 6 lần. Vừa hút thuốc vừa uống rượu có nguy cơ gấp 15 lần.
– Thói quen quan hệ tình dục bằng miệng.
– HPV type 16.
– Ngoài ra vệ sinh răng miệng kém, viêm nhiễm mạn tính cũng làm tăng nguy cơ ung thư amidan.
Theo bác sĩ Hoàng, tiên lượng sống còn 5 năm sau điều trị giai đoạn 1 là 80-90%, giai đoạn 2 là 70-80%, giai đoạn 3 còn 60-70% và giai đoạn 4 chỉ 30-50%.