Trao đổi với báo chí sáng 4/7, tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khẳng định hàm lượng flo tồn dư gấp hàng trăm lần trong nước chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình hồi cuối tháng 5 khiến 18 người bị tai biến, có thể giết chết ngay bệnh nhân chạy thận.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hiện thế giới chỉ cho phép ngành y sử dụng 3 loại hóa chất theo hướng dẫn chung của quốc tế, trong đó không có flo. Nguồn nước tự nhiên có flo nhưng chỉ tối đa cho phép 0,2mg/ml.
Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng nhấn mạnh, flo ký hiệu HF là hóa chất rất độc, tuyệt đối không dùng trong y tế mà chỉ sử dụng trong công nghiệp và một số loại thuốc tẩy cặn bẩn. “Vì thế việc flo xuất hiện với nồng độ cao trong mẫu nước chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình sáng 29/5 theo công bố của cơ quan điều tra, là sự bất thường”, thạc sĩ Nguyên chia sẻ. Theo ông, hóa chất này được đưa vào quy trình xử lý nước, chứ không phải tự nhiên.
Y văn thế giới đã ghi nhận tại Mỹ từng xảy ra 2 vụ ngộ độc người chạy thận nhân tạo có nguyên nhân từ hóa chất flo trong hệ thống nước.
Theo tiến sĩ Dũng, theo quy trình chạy thận nhân tạo thông thường, những ngày không có vệ sinh đường ống, màng lọc…, trước ca chạy thận đầu tiên vào sáng sớm, nhân viên y tế trực bật máy RO quan sát 3 thông số gồm lưu lượng, áp lực và TDS hay tổng lượng ion trong nước. Nếu 3 thông số này đạt chuẩn thì cho máy hoạt động, bác sĩ khám bệnh và chỉ định bệnh nhân chạy thận như bình thường.
Vào những ngày có vệ sinh hệ thống máy móc như màng RO, đường ống…, có thể phân công bác sĩ hoặc ban giám đốc bệnh viện ký hợp đồng với một đơn vị đủ năng lực để thực hiện. Phòng vật tư có trách nhiệm giám sát toàn bộ quy trình vệ sinh, từ lúc nhận đến khi kết thúc đều có bàn giao. Người nhận làm nhiệm vụ ký kết với người giám sát là đã hoàn thành nhiệm vụ, chất lượng đảm bảo. Sáng hôm sau nhân viên trực vẫn tiến hành công việc kiểm tra máy như thường ngày.
Định kỳ, khoa tiến hành các xét nghiệm vi sinh, độc tố và lý hóa với 23 thông số (có chỉ số về flo). Tuy nhiên, tiến sĩ Dũng khẳng định, vệ sinh đường ống và xét nghiệm chất lượng nước là hai công việc độc lập với nhau. Ví dụ xét nghiệm lý hóa thực hiện 1-2 lần mỗi năm, để thử cả 23 thông số này thì ít nhất 10 ngày mới có kết quả. Vì thế, sau khi vệ sinh đường ống nước chạy thận không có quy định phải kiểm tra hàm lượng flo (vì nguyên tắc không được phép dùng), nếu xét nghiệm cũng không thể có kết quả ngay. Vì thế mấu chốt là vấn đề kiểm soát chất được đưa vào vệ sinh đường ống.
”Trong tai biến chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, đơn vị lọc rửa đã tự ý đưa vào hóa chất không được phép sử dụng thì phải chịu trách nhiệm cao nhất; sau đó là cán bộ phòng vật tư chưa kiểm soát kỹ đã nghiệm thu. Bác sĩ chỉ phụ trách chuyên môn, không thể kiểm soát tất cả thông số trong quá trình bảo trì”, tiến sĩ Dũng nói.
Giáo sư Bình khẳng định, tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình là sự cố không mong muốn. “Chúng tôi hy vọng cơ quan chức năng xử lý đúng người đúng tội, kết thúc có hậu, hạn chế sai sót để cán bộ y tế yên tâm công tác”, giáo sư Bình chia sẻ.
Sáng 29/5, 18 bệnh nhân suy thận mãn đang chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đột ngột có dấu hiệu bất thường. 8 người lần lượt tử vong;10 người được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai ngay trong đêm hiện sức khỏe đã hồi phục. Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân tử vong là nguồn nước cung cấp cho quá trình lọc, chạy thận nhân tạo; các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình.
Công an khởi tố vụ án, tạm giam 3 người trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương thuộc khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Hội Hồi sức Cấp cứu Chống độc cho rằng khuyết điểm của bác sĩ Lương là “thiếu sót về thủ tục hành chính”. Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Công an xem xét cho bác sĩ Lương được tại ngoại.