Gần đây mạng xã hội xuất hiện nhiều cá nhân, hội nhóm kêu gọi chống tiêm văcxin cho trẻ và chia sẻ các nghiên cứu của tổ chức nước ngoài. Khá nhiều bà mẹ hoang mang, dao động đã không cho con đi tiêm ngừa. Phó giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM cho biết làn sóng chống tiêm văcxin xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới từ nhiều năm nay và những nghiên cứu mà người anti-văcxin viện dẫn đã được chứng minh là sai lệch, thậm chí tác giả của nó đã bị kết tội gian lận dữ liệu và có xung đột lợi ích.
Theo phó giáo sư Lân, trước khi có chủng ngừa, những bệnh có thể ngăn chặn được bằng văcxin như sởi, ho gà… khá phổ biến trong cộng đồng. Khi chương trình tiêm chủng hiệu quả, tỷ lệ bao phủ cao, giúp giảm nhiều loại bệnh thì cộng đồng không còn gặp hoặc có rất ít kinh nghiệm trải qua các bệnh này. Khi đó lợi ích của văcxin chỉ là mô tả trên sách báo, còn việc tiêm chủng thì gắn với những khó chịu, đau đớn của trẻ. Khi phụ huynh tra cứu tìm hiểu thì gặp nhiều thông tin không khuyến khích tiêm văcxin. Chưa kể một số trường hợp rủi ro hiếm gặp trùng với các sự kiện nghiêm trọng khác nên văcxin thường bị quy kết là tội đồ.
Năm 1974, tại Anh có tác giả báo cáo 22 trẻ chậm phát triển và động kinh sau khi tiêm văcxin ho gà toàn tế bào. Thông tin này khiến trong nhiều năm sau đó tỷ lệ tiêm chủng ho gà ở Anh giảm mạnh từ 81% xuống còn 31%, hậu quả là 100.000 trẻ mắc bệnh ho gà và 31 bé tử vong. Báo cáo này cũng làm giảm tỷ lệ tiêm chủng ho gà và tăng số ca tử vong do ho gà ở Nhật Bản, Thụy Điển và Wales. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu đối chứng sau này đã chỉ ra rằng tỷ lệ chậm phát triển và động kinh ở trẻ sau khi tiêm văcxin ho gà toàn tế bào tương tự với trẻ không tiêm văcxin. Và nhiều trường hợp trong các trẻ này thật ra mắc hội chứng Dravet.
Một nghiên cứu khác về vấn đề mối liên quan giữa văcxin MMR (sởi – quai bị – rubella) và bệnh tự kỷ do một tác giả đăng tải trên tạp chí uy tín thế giới Lancet năm 1998. Bài báo nêu 12 ca bệnh nhiễm trùng đường ruột và tự kỷ có liên quan đến MMR. Lập tức tỷ lệ tiêm chủng MMR giảm và dịch bùng phát tại Anh. Nhiều nghiên cứu khác đã phải tiến hành sau đó và đi đến kết luận là không có mối liên quan nào giữa bệnh tự kỷ và MMR. Tác giả bài báo trên sau đó được kết tội là gian lận dữ liệu và có xung đột lợi ích khi đăng tải thông tin trên. Bài báo bị rút khỏi tạp chí trên sau 12 năm đăng tải thông tin.
“Văcxin đã được nghiên cứu, đánh giá một cách nghiêm ngặt, sử dụng với số lượng lớn trên toàn thế giới qua hàng chục năm, có hệ thống cập nhật đánh giá các biến cố bất lợi, được hoàn thiện dần theo tiến bộ của y học và đã được chứng minh là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất”, phó giáo sư Lân chia sẻ.
Nhiều em bé phải điều trị thở máy nhiều tháng, chịu di chứng nặng nề về thần kinh, sống đời thực vật vì không được tiêm văcxin viêm não Nhật Bản. Ảnh minh họa: T.P |
Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cho biết văcxin là thành quả của khoa học, điều chế một văcxin là vô cùng khó. Không có văcxin, nhiều trẻ phải chết và tàn tật cả đời. Việt Nam từng có thời kỳ phải chứng kiến nhiều trẻ đậu mùa suốt đời sống chung với khuôn mặt rỗ, trẻ sốt bại liệt phải lớn lên với một chân teo hẳn… Bài học dịch sởi năm 2014 khiến hàng chục trẻ tử vong cũng là hậu quả của việc chống tiêm văcxin sởi do tai biến trước đó.
Gần một đời gắn bó với nghề làm nhiễm nhi, bác sĩ Khanh cho biết “đã ngấm đòn chăm sóc bệnh nhiễm trong bất lực, cũng lắc đầu, cũng bực mình vì chuyện không tiêm văcxin, cũng cảm thông vì thiếu hiểu biết và thiếu thông tin của người dân”. Theo ông, khoảng 80% bệnh nhi đưa vào điều trị tại khoa là chưa được tiêm ngừa.
“Nếu tự anti-văcxin cho một bé, một gia đình nhỏ thì chỉ tội nghiệp cho bé. Nếu anti kiểu nhóm, kiểu hùa là có tội với một thế hệ, có tội với sức khỏe của dân tộc”, bác sĩ Khanh chia sẻ. Những dịch bệnh đã được thanh toán từ lâu, nếu vì bài trừ văcxin mà dịch quay lại thì cộng đồng sẽ phải trả giá bằng hàng loạt sinh mạng. Ở một số nước phát triển, nếu trẻ không có sổ xác nhận chích ngừa đầy đủ sẽ không được cho đi học, vì nếu mắc bệnh sẽ lây cho các trẻ khác.
Trào lưu bài trừ văcxin thường xảy ra khi tình hình dịch bệnh ở mức thấp, vì nếu lúc bệnh đang xảy ra ồ ạt ít ai dám nghĩ đến chuyện không tiêm chủng. “Thường những người này trong gia đình, họ hàng có trẻ gặp vấn đề cá thể, cơ địa khi tiêm văcxin. Hoặc cũng có thể khiếm khuyết sức khỏe của trẻ là mang tính bẩm sinh, cha mẹ cho rằng là do tiêm ngừa”, bác sĩ Khanh nói. Một số phụ huynh cho rằng con họ không tiêm ngừa vẫn khỏe mạnh. Bác sĩ cho rằng đó là may mắn vì em bé được sống trong một cộng đồng có tỷ lệ chích ngừa cao. Nếu em bé đi qua một vùng có độ bao phủ văcxin thấp thì khả năng mắc bệnh sẽ rất cao.
Bác sĩ Khanh phân tích, không tránh khỏi trường hợp những loại văcxin vì lợi ích nhóm mà được tuyên truyền chích một cách chưa cần thiết. Tuy nhiên các văcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì đều cần thiết. Các nước trên thế giới đều có chương trình tiêm chủng mở rộng với những loại khác nhau, tùy dịch tễ mỗi nơi. Để đưa một văcxin nào đó vào chương trình miễn phí là sự cân nhắc rất lớn vì sẽ tốn kém vô cùng nhiều nên sẽ không có chuyện dư thừa mà cần chích đầy đủ. Bác sĩ khuyến cáo, với văcxin ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng, phụ huynh cần là người tiêu dùng thông minh để tìm hiểu, lựa chọn thứ tự ưu tiên để chích cho trẻ.