Số người mắc liên cầu lợn rải rác từ đầu năm tại 23 tỉnh thành trên cả nước. Nhiều nhất là tại Hà Nội và Bến Tre mỗi địa phương 8 bệnh nhân. So với cùng kỳ năm 2016, số ca bệnh tăng gấp 3 trong khi số tử vong tăng một người.
Bệnh nhân mắc liên cầu lợn thường xuất hiện ban hoại tử toàn thân. Ảnh minh họa: Bác sĩ cung cấp. |
Chia sẻ tại hội thảo về dịch bệnh mùa hè ngày 13/7, tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đặc biệt nhấn mạnh tình trạng bệnh liên cầu khuẩn truyền từ lợn sang người. Khuẩn này tồn tại trên cả lợn bệnh và lợn lành. Vì thế người tiếp xúc (giết mổ, chăn nuôi), ăn thực phẩm từ lợn chưa nấu chín, đặc biệt là tiết canh đều có nguy cơ lây bệnh.
Cũng theo tiến sĩ Phu, số bệnh nhân gia tăng đột biến trong năm nay có thể do ngành y tế tập trung giám sát chặt hơn. Tuy nhiên, thực tế là ngày càng có nhiều bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Liên cầu lợn là bệnh nguy hiểm, gồm 3 thể nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ ban đầu nhiễm khuẩn đã nặng. Bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%. Người từng nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại.
Để phòng bệnh, người dân không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay; rửa tay sạch sau khi chế biến thịt. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy, nên có phương tiện phòng hộ. Khi sốt cao (40-41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ…, có thể khó thở, người dân nên đến bệnh viện sớm, tránh nguy cơ tử vong.
6 tháng đầu năm cả nước cũng ghi nhận số bệnh nhân ho gà tăng vọt. Cùng kỳ năm ngoái, cả nước chỉ có 93 ca thì năm nay đến 266 ca, tăng 186%, 3 trường hợp tử vong. Số người bệnh than cũng tăng lên 12 ca, trong khi năm ngoái chỉ có 3, trong đó Điện Biên có đến 6 người mắc, Cao Bằng 4 và Hà Giang 2.