Có mặt tại nhà riêng ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, trưa 18/7, bà Hiền tỏ ra bất ngờ khi tiếp thanh tra Sở Y tế. Một căn phòng nhỏ rộng khoảng 20 m2 trong sân nhà được bố trí khá sơ sài với một tủ thuốc và chiếc giường trải chiếu, bà Hiền dùng làm phòng khám.
Y sĩ Hiền hiện làm việc tại Trạm Y tế xã Mễ Sở. Bà cho biết ngoài giờ hành chính, sau khi đi làm về nhà, có trẻ nào được gia đình đưa đến khám do bị viêm nhiễm, bệnh tật thì bà chữa.
Theo bà Hiền, các trẻ được gia đình đưa đến cho bà khám chữa đều có bệnh về bao quy đầu, sưng tấy, bí tiểu, vạch quy đầu xem đều thấy đỏ, đau ở đầu, có bã đậu, có mủ. Bà khẳng định không dùng bất kỳ dụng cụ y tế nào để cắt rạch mà chỉ dùng nước sát khuẩn nhẹ để sát khuẩn, lật phần quy đầu ra để làm sạch ổ mủ, ổ bã đậu. Sau đó, bà hướng dẫn bố mẹ các cháu cách 1-2 ngày đưa con đến để bà rửa, cho dùng thuốc kháng viêm. Những bé bị hẹp bao quy đầu thì bà chỉ nhỏ thuốc, lấy tay vê cho mềm da bao đầu ra rồi đưa xuống.
“Trong quá trình này tôi đều dùng găng tay, mỗi đôi giá 500 đồng dùng xong cho một bé là vứt luôn. Các trẻ đến rửa 1-2 lần đều khỏi bệnh. Sau đó bé về sống tại nhà, tại địa phương 4-5 tháng phát sinh bệnh gì thì thật sự tôi không biết”, y sĩ Hiền nói.
Y sĩ Hiền cũng cho biết không nhớ đã làm thủ thuật điều trị chít hẹp bao quy đầu cho bao nhiêu em bé vì không lưu tên bệnh nhân, không ghi sổ sách. Chi phí cho mỗi lần khám chữa cả tiền thuốc và tiền công dao động 300.000-500.000 đồng. “Tôi về đến nhà, có ai nhờ làm gì thì tôi làm. Thật sự tôi không biết bệnh các cháu từ đâu ra”, bà Hiền chia sẻ.
Y sĩ Hiền chia sẻ cách chữa hẹp bao quy đầu cho trẻ
Trong khi đó nhiều gia đình các bé trai bị sùi mào gà bức xúc vì cho rằng con em của họ sau khi điều trị hẹp bao quy đầu tại phòng khám của bà Hiền vài tháng thì xuất hiện bệnh sùi. Bà Phạm Thị Như, bà nội một trong các trẻ bị sùi mào gà cho biết, lúc đầu cháu chỉ bị bí tiểu. Mẹ bé sợ con bị hẹp bao quy đầu nên hồi tháng 5 đã đưa bé đến nhà y sĩ Hiền khám. Bà nội em bé nói rằng khi khám, bà Hiền bảo bé chưa có vấn đề gì, chỉ bị hơi hẹp không phải cắt.
“Tôi thấy bà Hiền dùng panh và tay để xử lý bao quy đầu cháu, đổ thuốc lên sau đó lộn da đầu. Về nhà thì bộ phận này của cháu tôi rớm máu. Sau đó cách ngày gia đình lại đưa cháu đến bà Hiền để vệ sinh, tại nhà bôi thuốc, lấy lá trầu không ngâm đắp”, bà Như nói.
Một tháng sau, gia đình thấy cháu nổi một nốt sùi ở bộ phận sinh dục, vài ngày sau thì những nốt tương tự mọc thêm xung quanh. Đưa bé đi khám, cả nhà bất ngờ khi bác sĩ thông báo cháu bị sùi mào gà.
Bà Như không cầm được nước mắt khi kể về bệnh của cháu trai
.
“Thực sự nhìn cháu đau đớn, gia đình xót lắm nhưng lo nhất là sau này cháu có biến chứng gì thì tôi hối hận suốt đời. Hiện cháu vẫn còn sưng đau, sang tuần chúng tôi lại đưa cháu đi viện tiếp”, bà Như nói.
Ngày 18/7, 10 gia đình có trẻ bị sùi mào gà sau khi điều trị hẹp bao quy đầu tại phòng khám của bà Hiền đã cùng viết đơn gửi lên Sở Y tế Hưng Yên yêu cầu làm rõ vụ việc. Thanh tra Sở Y tế cho biết tháng 12/2016 phòng y tế địa phương đã đến kiểm tra và yêu cầu bà Hiền dừng hoạt động phòng khám. Theo luật, với chứng chỉ y sĩ bà Hiền chỉ được thực hiện các dịch vụ tiêm, bông băng theo chỉ định của bác sĩ. Nếu thực sự bà Hiền có làm thủ thuật nong, cắt bao quy đầu là không được phép.
Trước đó, Bệnh viện Da liễu Trung ương thông báo về sự gia tăng bất thường các bé trai mắc bệnh sùi mào gà tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Thống kê từ ngày 1/5 đến ngày 15/7, có hơn 1.500 bệnh nhân đến điều trị sùi mào gà tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, trong số đó 59 trẻ dưới 15 tuổi. Đáng chú ý, đến 39 cháu ngụ ở tỉnh Hưng Yên và riêng huyện Khoái Châu là 37 bệnh nhi. Hà Nội có 2 bé. Nhiều bé trai ở Hưng Yên trước đó được điều trị bao quy đầu tại phòng khám tư.