Home » Khỏe và đẹp » Dịch sốt xuất huyết bất thường ở Hà Nội, người lo lắng kẻ vẫn thờ ơ

Dịch sốt xuất huyết bất thường ở Hà Nội, người lo lắng kẻ vẫn thờ ơ

Hoàng Văn Trường sinh viên năm 3, đang ở trọ cùng các bạn ở khu phố Nguyễn An Ninh, sốt cao đột ngột, mệt mỏi. Nghĩ là sốt cảm bình thường, Trường mua thuốc hạ sốt uống và nhờ bạn gái học trường y đến nhà truyền cho 2 chai nước. 3 ngày sau, các triệu chứng bệnh không thuyên giảm, xuất huyết dưới da, song chàng trai vẫn tưởng sốt phát ban nên tiếp tục tự mua thuốc uống.

Khi sốt lên 39 độ, Trường lo lắng điện thoại cho mẹ ở quê và mô tả triệu chứng. Người mẹ hốt hoảng cấp tốc lên Hà Nội đưa con trai đi viện. Kết quả xét nghiệm chàng trai dương tính với sốt xuất huyết, may mắn chưa vào giai đoạn sốc xuất huyết não. Một tuần nằm viện được các bác sĩ điều trị tích cực, Trường đã tai qua nạn khỏi.

Gần một tháng sau khi phát bệnh, Trường mới thấy có nhân viên y tế ở phường đến nhà phun thuốc diệt muỗi. “Họ yêu cầu người trong nhà ra ngoài, phun xong 15 phút sau chúng em lại vào sinh hoạt bình thường, chỉ rửa lại bát đũa với đồ dùng ăn uống thôi”, Trường kể.

dich-sot-xuat-huyet-bat-thuong-o-ha-noi-nguoi-lo-lang-ke-van-tho-o

Bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện quá nhiều, 2 người nằm chung giường Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: P.T.

Chị Ngọc ở Hoàng Mai thì cho biết, hàng xóm đã có người bị sốt xuất huyết nên chị vô cùng lo lắng mà chưa thấy có nhân viên y tế nào đến nhà phun thuốc khử trùng xịt muỗi. Nhà có con nhỏ nên chị càng lo, đành tự mua thuốc diệt muỗi về phun. “Cửa hàng bán thuốc diệt muỗi có cả dịch vụ phun thuốc. Tôi thuê họ mang thuốc đến nhà phun vịt luôn với chi phí 500.000 đồng một lần”, chị Ngọc nói.

Cùng chung tâm trạng lo lắng, chị Mai ở khu chung cư Linh Đàm cho biết nhà chị ở tầng 10 hầu như không có muỗi. Khu chung cư cũng chưa có trường hợp nào mắc sốt xuất huyết nhưng Hà Nội đang vào mùa dịch nên tối nào chị Mai cũng mắc màn cẩn thận cho các con.

Sốt xuất huyết không chỉ gây lo lắng tại một số gia đình mà ngay cả công sở cũng bị ảnh hưởng. Anh Hà làm việc tại một công ty thiết kế ở đường Hoàng Quốc Việt, cho biết cơ quan anh phải tạm dừng chuyến đi nghỉ hè vì giám đốc nhập viện do sốt xuất huyết. Ngoài giám đốc thì một số nhân viên công ty cũng đã có dấu hiệu bệnh và phải vào viện kiểm tra. Cả công ty được nghỉ làm sớm hơn thường ngày để tiến hành phun thuốc diệt muỗi.

Trong khi nhiều người tỏ ra lo lắng trước dịch sốt xuất huyết thì không ít người lại thờ ơ. Ông Tân ở Định Công cho biết nhà ông không có muỗi nên từ trước đến giờ gia đình ông đi ngủ không hề mắc màn. “Tôi ở đây 3 năm nay rồi chưa thấy ai đến phun thuốc cả mà có sao đâu”, ông nói. Chị Hải ở Hoàng Mai thì không hề biết Hà Nội đang có dịch sốt xuất huyết. Hằng ngày, vợ chồng chị cùng con trai 3 tuổi vẫn ngủ mà không mắc màn. “Nhà tôi ở tầng 6, muỗi làm sao bay lên tận đây được. Muỗi chỉ ở chỗ nào ẩm thấp, bẩn thỉu thôi”, chị Hải nói.

Mới đây một hộ kinh doanh ở Mai Dịch đã bị UBND phường phạt 2 triệu đồng vì không chịu hợp tác vệ sinh môi trường để diệt muỗi mặc dù khu vực này đã xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết. Đây là mức phạt cao nhất trong khung xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế do không thực hiện các biện pháp vệ sinh, tẩy uế, tiệt trùng trong vùng có dịch.

Theo nhà chức trách, Hà Nội đang phải căng mình chống chọi với dịch sốt xuất huyết, thế nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan, lơ là với bệnh. Một số nhân viên y tế phản ánh, không ít lần đi phun thuốc muỗi vệ sinh phòng dịch tại các gia đình hay khu dân cư đã bị từ chối thẳng thừng, có gia đình còn phản bác “nhà tôi không có muỗi nên không cần phun thuốc”.

Hai bệnh nhân sốt xuất huyết nằm chung giường ở viện

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, việc khó khăn nhất hiện nay trong phòng chống bệnh sốt xuất huyết là không phải tất cả người dân đều hưởng ứng, đặc biệt khi phun hóa chất diệt muỗi. Trong một chung cư, nhiều gia đình chỉ cho phun xịt muỗi ở tầng 1 mà không cho xử lý ở tầng 2-3 trở lên. Nhiều nhà đóng cửa, không hợp tác diệt muỗi. “Nhiều hộ dân chưa vệ sinh phòng dịch, chưa có ý thức loại bỏ tác nhân chứa loăng quăng, bọ gậy, không hợp tác khi nhân viên y tế đến phun thuốc diệt muỗi”, tiến sĩ Phu nói.

Cũng theo ông Phu, so với cùng kỳ năm ngoái, năm nay dịch sốt xuất huyết xuất hiện sớm ở Hà Nội. Mọi năm dịch thường tăng cao vào tháng 7-8, năm nay tăng ngay tháng 5-6. Dự báo dịch còn diễn biến phức tạp, hiện là đợt cao điểm. Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương quá tải bệnh nhân với 200 người đến khám mỗi ngày, 20% trong số này phải nhập viện. Trong 2 tuần qua, số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hai người phải nằm chung nhau một giường tại bệnh viện.  

6 tháng đầu năm cả nước ghi nhận trên 50.000 ca sốt xuất huyết, 15 người tử vong. Sốt xuất huyết đến nay chưa có văcxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Dấu hiệu bạn bị sốt xuất huyết