Độc giả gửi câu hỏi tại đây
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật trên toàn thế giới. Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam – Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP HCM cho biết trong công tác khám chữa bệnh, ông đã gặp không ít bệnh nhân liệt giường vì tai biến. Trường hợp cụ bà vừa mừng thọ 70 bỗng bất ngờ đột quỵ, con cháu cấp cứu chậm trễ nênbị liệt toàn thân. Nhiều nam giới mới ngoài ba mươi đã nhồi máu cơ tim, mất sức lao động, sinh ra mặc cảm vì thành gánh nặng cho vợ con và người thân trong gia đình.
Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam – Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP HCM. |
Ở giai đoạn này, không ít người bệnh tỏ ra chán nản, bi quan vì mọi sinh hoạt thường ngày đều phải nhờ tới sự trợ giúp của người thân, việc tập luyện khôi phục vận động đối với họ cũng trở nên xa vời. Đặc biệt với các bệnh nhân là người cao tuổi, không ít trường hợp gia đình có nhận thức sai lầm về khả năng phục hồi của họ sau tai biến nên đã không chú trọng đúng mức vào việc tăng cường tập luyện phục hồi chức năng, khiến người bệnh mất dần khả năng hồi phục vĩnh viễn.
Thực tế, nhiều nghiên cứu y khoa cho thấy, 3 tháng sau đột quỵ, bệnh nhân tai biến bắt đầu hồi phục thần kinh. Nghiên cứu của Giáo sư Nijland và cộng sự trên 188 bệnh nhân năm 2010 cũng chỉ ra rằng, những người nhồi máu mức độ nhẹ và trung bình có tiên lượng hồi phục chức năng tốt. 71% trường hợp liệt nửa người có thể mở ngón tay sau 6 tháng. 5% bại liệt điều khiển được cánh tay. Khả năng phục hồi chức năng vận động cao, song cần kiên trì lâu dài.
Do đó, bác sĩ Nam khuyến khích, con cái không nên mất hy vọng về khả năng hồi phục của ông bà cha mẹ, mà cần nhẫn nại giúp đỡ để người cao tuổi lấy lại suối nguồn vui sống. Bản thân người già cũng phải nỗ lực tập luyện để phục hồi chức năng vận động. Ví dụ như luyện cầm nắm để tự chủ trong ăn uống, tập đi bằng xe nạng, dùng tã bỉm để tự chủ vệ sinh cá nhân, điều trị vật lý cho cơ khớp linh hoạt…
Tham gia buổi tư vấn trên VnExpress lúc 14h ngày 26/7, bác sĩ Nam sẽ tư vấn cho độc giả cách chăm sóc và các bài tập cụ thể để người bị tai biến sớm phục hồi chức năng, tái hòa nhập cuộc sống.
Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam hiện giữ chức Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP HCM. Ông từng tu nghiệp phẫu thuật lồng ngực và tim mạch tại Paris (Pháp) năm 1993-1995. Phó giáo sư từng giảng dạy và đảm nhiệm vai trò Trưởng khoa khám tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. Những cuốn sách bệnh học nổi tiếng “Câu chuyện y khoa”, “Trái tim phiền muộn”… đều do ông chắp bút.
An San