Liên thông xét nghiệm là việc cơ sở khám chữa bệnh này công nhận và có thể sử dụng kết quả xét nghiệm của cơ sở khám chữa bệnh khác. Cả nước hiện có 38 bệnh viện tuyến trung ương, 492 bệnh viện tuyến tỉnh, 645 bệnh viện huyện và 31 bệnh viện ngành. Bước đầu Bộ Y tế thí điểm thực hiện tại 38 bệnh viện trung ương, chọn mỗi chuyên ngành 2-3 xét nghiệm được liên thông, sau đó từng bước mở rộng, xây dựng các danh mục xét nghiệm.
Theo nguyên tắc, việc liên thông chỉ áp dụng cho một số xét nghiệm, kết quả có giá trị trong một thời gian nhất định. Bệnh viện chỉ công nhận kết quả xét nghiệm của bệnh viện khác có chất lượng tương đương hoặc cao hơn. Quyền chỉ định xét nghiệm vẫn là của bác sĩ nếu thấy cần thiết.
Để thực hiện liên thông, các bệnh viện sẽ được đánh giá và xếp hạng mức chất lượng xét nghiệm. Hiện Bộ Y tế xây dựng tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học theo 5 mức: rất tốt, tốt, khá, trung bình khá, trung bình và chưa xếp hạng. Các bệnh viện liên thông phải cùng mức điểm với nhau.
Hiện nay, chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở điều trị và giữa các tuyến điều trị chưa đồng đều. Kết quả thường tốt hơn ở các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh, hạn chế ở tuyến dưới. Cũng vì thế, tình trạng các bệnh viện không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau khiến bệnh nhân phải xét nghiệm nhiều lần đã gây mất thời gian và tốn kém tiền của.
Hàng năm, các bệnh viện có khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh. Tỷ lệ tăng trưởng trong khối xét nghiệm trung bình khoảng 10% mỗi năm. Trong khi đó, chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm riêng số xét nghiệm không phải thực hiện khoảng 4,75 triệu lượt. Nếu tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đông thì tiết kiệm được khoảng 237,5 tỷ đồng.
Việc liên thông kết quả xét nghiệm giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, kiểm soát lạm dụng xét nghiệm, giảm chi phí và phiền hà cho bệnh nhân khi khám chữa bệnh.
Theo lộ trình, chậm nhất đến năm 2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 và tương đương. Đến năm 2020 liên thông với các phòng xét nghiệm có cùng mức chất lượng trong phạm vi quản lý thuộc mỗi tỉnh, thành. Đến năm 2025 sẽ liên thông trên phạm vi toàn quốc.