Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết các triệu chứng này khá giống với viêm não. Không ít trường hợp phụ huynh đưa trẻ đi chữa viêm não nhiều nơi trước khi phát hiện thủ phạm là do miếng dán chống say tàu xe. Cách đây 2 tuần, một trẻ 4 tuổi cũng vào viện với biểu hiện tương tự do sử dụng miếng dán này sau chuyến du lịch.
Theo bác sĩ Khanh, miếng dán chống say xe có chứa hoạt chất scopolamine là chất kích thích hệ thần kinh. Scopolamine được biết đến với tên gọi “hơi thở của quỷ”, là một loại ma túy có tác động mạnh đến hệ thần kinh trung ương. Mỗi năm Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 10 trẻ ngộ độc hoạt chất scopolamine có trong miếng dán, thường gặp nhiều trong mùa hè trẻ đi chơi xa. Có trẻ vào viện khi đã hôn mê. Ở nhiều nơi, trẻ nhập viện khi miếng dán đã tháo ra, bác sĩ thiếu kinh nghiệm có thể chẩn đoán nhầm với viêm não.
Miếng dán dùng để dán phía sau tai 1-4 giờ trước khi đi tàu xe. Ảnh: Lê Phương. |
Tại các nhà thuốc, miếng dán chống say xe được mua khá dễ dàng với giá khoảng 10.000-15.000, dùng để dán phía sau tai 1-4 giờ trước khi đi tàu xe để ngăn ngừa tình trạng chóng mặt, buồn nôn, nôn… Một người bán thuốc tại quận 7, TP HCM, cho biết có thể sử dụng miếng dán này cho trẻ em nhưng chỉ dùng 1/2 miếng. Liều dùng cho người lớn là một miếng trong 72 giờ. Riêng trẻ 8-15 tuổi và người lớn có trọng lượng 40 kg chỉ dùng 1/2 miếng.
Trên bao bì miếng dán được khuyến cáo không sử dụng cho trẻ dưới 8 tuổi nhưng theo bác sĩ Khanh, cần chống chỉ định với trẻ dưới 12 tuổi. Nhiều trẻ 9-10 tuổi phải nhập viện vì tác dụng phụ sau khi sử dụng. Phụ huynh khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường sau khi dùng miếng dán cần nhập viện ngay và lưu ý khai rõ với bác sĩ về việc sử dụng.
Trên bao bì miếng dán được khuyến cáo không sử dụng cho trẻ dưới 8 tuổi nhưng theo bác sĩ Khanh, cần chống chỉ định với trẻ dưới 12 tuổi. Ảnh: Lê Phương. |
Giải mã tình trạng say tàu xe
Miếng dán cũng chống chỉ định với phụ nữ có thai, người mẫn cảm với scopolamine, người có bệnh về mắt. Cẩn thận khi dùng cho người già, người suy chức năng gan hoặc thận, không dùng chung với cồn hay thuốc kháng histamin. Tác dụng phụ thường gặp là hiện tượng khô miệng, ngủ gà, đau ở mắt… Nếu bị tác dụng phụ cần gỡ miếng dán ngay. Nếu di chuyển trên 3 ngày thì phải thay miếng dán mới.
Không được dán ở vùng da trầy xước vì làm tăng sự thẩm thấu qua da và có thể gây ngộ độc. Không kết hợp cả miếng dán và thuốc uống, thuốc tiêm chống say xe. Sau khi dán và gỡ miếng dán cần rửa tay bằng xà phòng, không vứt miếng dán sau khi sử dụng bừa bãi.
Mẹo chống say tàu xe mà không cần dùng thuốc
Bác sĩ khuyên phụ huynh lưu ý với trẻ có hiện tượng say tàu xe, trước khi đi cần cho trẻ ăn chút gì đó nhưng không nên ăn đồ béo. Động viên con nhìn ra bên ngoài xe, cố gắng tập trung vào thứ gì đó đứng im, càng xa càng tốt như một điểm ở đường chân trời. Không nên nhìn vào những vật đang chuyển động như ôtô khác. Không để trẻ đọc sách khi xe đang đi. Nếu trẻ mệt vì say xe, nên tạo không gian yên tĩnh, không phàn nàn, để bé đi dạo một chút hít thở không khí trong lành khi xuống xe. Trẻ thường xuyên nôn cần có vật chứa, khăn ướt, khăn lau và quần áo thay.
Lương y Đinh Công Bảy cho biết người thường say tàu xe trước khi khởi hành khoảng 30 phút nên dùng một khúc gừng tươi bằng cỡ ngón tay cái, gọt bỏ vỏ, rửa sạch, giã nát hoặc nhai nát rồi uống với một cốc nước ấm. Trong suốt hành trình, thỉnh thoảng nên ngậm trong miệng một lát gừng mỏng. Những người có cơ địa bị say sóng nên thường xuyên dùng một số món như dùng trà nấu vỏ quýt hoặc hoa cúc trắng ngâm nước sôi uống sau bữa ăn, nấm mộc nhĩ nấu canh với thịt nạc… và luyện các bài tập hợp lý.