Phó Giáo sư Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết mỗi ngày nơi đây khám và điều trị cho gần 10.000 lượt bệnh nhân nội ngoại trú. Lượng bệnh nhân ngày càng tăng, số giường thực kê chỉ 1.800 nhưng có những lúc cao điểm đến 2.900 người bệnh nằm viện.
Bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy thường trong tình trạng quá tải, phải chờ mổ rất lâu. Ảnh: N.H |
Những năm qua bệnh viện đã triển khai nhiều mô hình giảm tải, không làm ảnh hưởng chất lượng điều trị cũng như tâm lý của thân nhân, bệnh nhân. Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết năm 2010 bắt đầu triển khai hợp tác đưa bệnh nhân ra 7 bệnh viện trong thành phố để giảm tải. Đến nay đã có 12 bệnh viện tham gia hợp tác chuyển viện như Điều dưỡng Điều trị Bệnh nghề nghiệp, Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, 30/4, 7A, Ngoại Thần kinh Quốc tế, Đức Khang, Tân Sơn Nhất, Bưu điện 2, Vinmec… Mỗi năm có khoảng 10.000-12.000 lượt bệnh nhân được chuyển giảm tải, nhiều nhất là các chuyên khoa Ngoại thần kinh, Chấn thương chỉnh hình, Tim mạch can thiệp… Hiện bệnh nhân nằm điều trị thường xuyên tại các bệnh viện hợp tác giảm tải trung bình 450-500 lượt mỗi ngày.
Chợ Rẫy chuyển viện được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của bệnh nhân và người nhà, đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế, ưu tiên các bệnh viện ở gần, được khảo sát đánh giá về chuyên môn năng lực, phê duyệt danh mục kỹ thuật trong phạm vi hợp tác. Tiêu chuẩn bệnh nhân là tình trạng sức khỏe ổn định, đang tiến triển tích cực, loại bệnh ít có nguy cơ xảy ra biến chứng đột ngột. Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp theo dõi điều trị, khi cần thiết sẽ chuyển trở về.
Từ năm 2015, Bệnh viện Chợ Rẫy quá tải lịch phẫu thuật, bệnh nhân chờ đợi lâu nên mở rộng hợp tác chuyển bệnh phẫu thuật. Từ đầu năm đến nay đã tiến hành chuyển 545 lượt bệnh, do phẫu thuật viên từ Chợ Rẫy sang các bệnh viện thực hiện. Khoảng một năm nay, Bệnh viện Chợ Rẫy không có bệnh nhân nằm ghép sau 48 giờ.
Khu liên kết Chợ Rẫy đặt tại Bệnh viện Điều dưỡng Điều trị Bệnh nghề nghiệp. Ảnh: N.H |
“Việc hợp tác chuyển viện được kiểm tra chặt chẽ, chống mọi hình thức hoa hồng trong chỉ định, giám sát thu viện phí hợp lý”, bác sĩ Việt chia sẻ. Khó khăn hiện nay, đơn vị hợp tác là bệnh viện độc lập nên phải thực hiện chuyển tuyến không theo quy định, lệ thuộc vào sự đồng thuận của bệnh nhân, sau khi xuất viện không thể hẹn tái khám ở Chợ Rẫy. Danh mục thuốc, vật tư khác nhau ảnh hưởng đến quyền lợi bệnh nhân, vướng mắc về tính pháp lý của y bác sĩ theo dõi bệnh nhân tại bệnh viện giảm tải.
Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê đánh giá cao những nỗ lực giảm tải theo hình thức hợp tác các bệnh viện. “Trong cơ chế tự chủ tài chính, càng đông bệnh nhân sẽ tăng thu nhập cho bệnh viện. Việc chia sẻ bệnh nhân sang nơi khác thể hiện trách nhiệm với sức khỏe người bệnh, không làm chậm trễ điều trị vì quá tải”, ông Khuê nói.
Theo ông Khuê, điều cần thiết là phải giải thích, công khai minh bạch giúp người bệnh thấu hiểu. Không ít người phản ứng, hoang mang vì tưởng bệnh viện “bán bệnh nhân” sang nơi khác, móc nối đưa sang bệnh viện tư điều trị. Cần có sự sàng lọc, thẩm định kỹ thuật hai bên để đảm bảo an toàn, tránh các tai biến đáng tiếc. Bên cạnh đó phải tính tới cơ chế tài chính cho y bác sĩ, hành lang pháp lý, tổ chức phân công nhân lực nội bộ, đảm bảo quyền lợi trách nhiệm cho cả ba bên: Người bệnh, bệnh viện và nhân viên y tế.