Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, mật độ côn trùng trên địa bàn thành phố năm nay tăng gấp nhiều lần năm ngoái. Mật độ muỗi rất cao kéo theo véctơ truyền bệnh sốt xuất huyết tăng. Kết quả giám sát mới đây cũng cho thấy mật độ muỗi vằn truyền sốt xuất huyết ở nhiều khu vực cao hơn 3 đến 3,5 lần so với mức bình thường các năm trước.
Thời tiết nắng nóng, mưa nhiều hiện nay là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là Aedes aegypti. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
Loại muỗi truyền sốt xuất huyết thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Chúng đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây…; các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa… Loại muỗi này không trứng đẻ ở ao tù, cống rãnh có nước hôi thối. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình vượt trên 20ºC.
Phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Ngọc Thành. |
Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, hiện người dân không nên lo lắng quá mức song cũng không nên chủ quan. Để muỗi cắn phòng bệnh sốt xuất huyết, có thể dùng rèm, lưới ngăn côn trùng, hương muỗi, kem chống muỗi đốt…; quan trọng nhất là diệt bọ gậy. Khi có biểu hiện sốt, nghi ngờ sốt xuất huyết nên đi khám để được bác sĩ tư vấn, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng phải nhập viện để tránh quá tải bệnh viện. Sốt xuất huyết không có thuốc điều trị đặc hiệu nên nếu đổ xô đi xét nghiệm cũng không giải quyết được vấn đề, quan trọng là theo dõi bệnh.
“Trong ba ngày đầu, người bệnh thường sốt cao, đau đầu, mệt mỏi nhưng toàn trạng không có gì nguy hiểm. Từ ngày thứ 4 đến thứ 7, cần theo dõi có sự tư vấn của bác sĩ để tránh biến chứng”, tiến sĩ Cảm nói.
Khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh sốt cao đột ngột kéo dài 2-7 ngày. Bệnh nặng hay nhẹ do đáp ứng miễn dịch của cơ thể mỗi người với mầm bệnh. Có người nặng ngay từ ngày thứ hai mắc bệnh như sốt cao li bì từ 39 độ trở lên, nhức đầu dữ dội, nôn liên tục, đau tức vùng gan, tiêu chảy… Đây là những dấu hiệu bệnh nặng nên cần đến viện ngay.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 5-10% trường hợp sốt xuất huyết có dấu hiệu nặng cần nhập viện theo dõi, tỷ lệ tử vong khoảng 2,5% ca nặng. Phần lớn bệnh nhân nhẹ có thể theo dõi điều trị tại tuyến dưới, ở nhà. Nếu điều trị tại nhà, người bệnh cần bù nước điện giải đầy đủ như uống nước oresol, nước hoa quả như cam, chanh, mía, bưởi ép…
Khi sốt cao có thể uống thuốc hạ nhiệt paracetamol, không được uống giảm đau hạ sốt nhóm salisilate như analgin, aspirin… Những loại thuốc này có thể dẫn đến chảy máu dữ dội, xuất huyết nội tác dẫn đến tử vong. Bệnh nhân cần được ăn uống đầy đủ, nâng cao thể trạng, nghỉ ngơi và đặc biệt khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo nặng thì phải đến bệnh viện ngay để điều trị.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, thành dịch do virus dengue gây ra với 4 type. Miễn dịch tạo thành sau khi bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng type nên một người có thể sốt xuất huyết 2-3 lần.
Hiện khoảng gần 16.000 người Hà Nội được ghi nhận mắc bệnh sốt xuất huyết, cao nhất từ trước tới nay và có tốc độ lây lan trong cộng đồng cao nhất cả nước. Bảy người đã chết do sốt xuất huyết. 21 tỉnh thành đã phải chi viện giúp Hà Nội diệt muỗi chống dịch. Cả nước có hơn 80.000 người mắc sốt xuất huyết tính từ đầu năm đến nay, 24 người tử vong.
Hướng dẫn cách phòng bệnh sốt xuất huyết