Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trong 3 ngày đầu, bệnh nhân sốt xuất huyết thường có biểu hiện mất dịch như sốt cao, vã mồ hôi, thở nhanh, đau mình mẩy, chán ăn, có người nôn, sợ không dám ăn. Lúc này, nhiều người thường nghĩ đến việc truyền dịch. Tuy nhiên không phải người bệnh nào cũng truyền có thể truyền dịch được.
Theo bác sĩ Cường, bệnh nhân đang bị sốt cao, phản ứng của cơ thể rất mạnh nên nếu truyền dịch dễ bị sốc. Vì thế, bệnh nhân chỉ truyền dịch khi được bác sĩ chỉ định và theo dõi sát. Tuyệt đối không truyền đạm hay dung dịch có pha vitamin. Tốc độ truyền cũng được tính toán rất cẩn thận, nhất là với trẻ nhỏ. Khi đã khỏi, bệnh nhân vẫn có triệu chứng mệt mỏi, đứng lên hoa mắt chóng mặt, mất 7-10 ngày để hồi phục. Lúc này cũng không nên truyền dịch bởi là giai đoạn thừa nước nên truyền dịch vào cơ thể rất nguy hiểm, có thể gây phù phổi, cấp cứu không kịp dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân từ dịch truyền dù là đường glucose vẫn trở thành một chất lạ với cơ thể. Do đó phản ứng sốc phản vệ sau tiếp xúc vật lạ của cơ thể có thể xảy ra tức thì trong một vài giây hoặc vài giờ. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh rất dễ tử vong.
Bệnh nhân sốt xuất huyết khi truyền dịch cần có chỉ định của bác sĩ và được theo dõi sát. Ảnh: N.Phương. |
Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh có thể bù nước, dịch… bằng cách thông thường. Ví dụ, với tỷ lệ 5 g đường trên 100 ml dung dịch thì truyền một chai glucose 5% cho trẻ tương đương với uống gần một thìa cà phê đường. Tương tự như vậy, truyền một chai dung dịch muối 9% chỉ bằng uống một bát canh nhạt. Do đó thay vì truyền dịch, người bệnh có thể uống nước bổ sung.
“Dịch truyền chỉ phát huy tác dụng khi dùng đúng chỉ định với trường hợp sốt quá cao, nôn quá nhiều gây mất nước, người bệnh không thể ăn uống được… Lạm dụng truyền dịch khi không có chỉ định của bác sĩ rất nguy hiểm, hại nhiều hơn lợi”, tiến sĩ Dũng nói.
Sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Trong 3 ngày đầu, người bệnh thường sốt cao nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Giai đoạn nguy hiểm ngày thứ 4-7, có thể còn sốt hoặc giảm sốt.
Chữa bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng. Nếu sốt cao trên 39 độ C, cho thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ nhiệt được dùng là paracetamol đơn chất, uống cách nhau mỗi 4-6 giờ; không dùng aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen vì có thể gây xuất huyết, toan máu.
Phần lớn bệnh nhân nhẹ có thể theo dõi điều trị tại tuyến dưới hoặc ở nhà. Nếu điều trị tại nhà, người bệnh cần bù nước điện giải đầy đủ như uống nhiều nước oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh, …), nước cháo loãng với muối. Trường hợp có dấu hiệu cảnh báo, nặng, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định truyền dịch. Phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người béo phì, người cao tuổi, người có các bệnh lý kèm theo như đái tháo đường, viêm phổi, hen phế quản, bệnh tim, bệnh gan, bệnh thận… khi bị sốt xuất huyết nên nhập viện theo dõi điều trị.
Hướng dẫn phòng bệnh sốt xuất huyết